Chính quyền Bắc Kinh đã chỉ trích các quy định xét nghiệm đối với hành khách tới từ Trung Quốc và đe dọa các biện pháp đối phó với các quốc gia ban hành quy định này.
Bà Mao Ninh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Chúng tôi tin rằng các hạn chế nhập cảnh được áp dụng bởi một số quốc gia nhắm vào Trung Quốc là thiếu cơ sở khoa học và một số hành vi thái quá thậm chí còn không thể chấp nhận được. Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực thao túng các biện pháp kiểm dịch vì mục đích chính trị và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó dựa trên nguyên tắc có đi có lại".
Đây được coi là lời đáp trả gắt gao nhất của chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua, sau khi Australia và Canada đã gia nhập danh sách các quốc gia yêu cầu du khách từ Trung Quốc thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi lên máy bay.
Mỹ là một trong số các quốc gia đứng ra bảo vệ quy định xét nghiệm người từ Trung Quốc. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết "đây là một cách tiếp cận hoàn toàn dựa trên khoa học.
"Các biện pháp này có những lo ngại rất lớn về tình hình sức khỏe cộng đồng do sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc và việc thiếu dữ liệu trình tự bộ gen và dịch tễ học đầy đủ, cũng như báo cáo minh bạch từ Trung Quốc", ông Price chỉ ra.
Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne cũng cho rằng quy định xét nghiệm là cần thiết. Bắt đầu từ thứ Tư tuần này, bất kỳ ai bay từ Trung Quốc đến Pháp sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước đó và được xét nghiệm ngẫu nhiên khi đến nơi.
“Chính phủ của tôi đang bảo vệ người dân Pháp", bà Borne nói trên đài phát thanh France-Info.
Australia cho biết sẽ không bị lung lay trước lời đe dọa trả đũa từ Trung Quốc, khi Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers phát biểu trên đài truyền hình quốc gia ABC rằng “các quốc gia sẽ tự đưa ra quyết định về việc quản lý hoạt động đi lại và cách họ kiểm soát dịch bệnh".
Khi được hỏi liệu yêu cầu này có được phối hợp giữa nhiều quốc gia để gây áp lực với Trung Quốc hay không, ông Chalmers nói: “Tôi không thấy chính xác như vậy, nhưng chắc chắn cộng đồng y tế toàn cầu có rất nhiều lo ngại về tính minh bạch và chất lượng của dữ liệu từ Trung Quốc".