Trung Quốc đưa thêm 8 tàu đến biển Đông
Ngày 29/6, Trung Quốc đã đưa thêm 8 tàu vào Biển Đông, tăng số tàu bảo vệ giàn khoan lên khoảng 122 tàu các loại.
Trung Quốc đưa thêm 8 tàu đến khu vực giàn khoan
Hôm qua (29/6), Trung Quốc đã đưa thêm 8 tàu đến hiện trường giàn khoan, cụ thể: Trung Quốc đang có khoảng 116 đến 122 tàu các loại gồm: các loại hải cảnh, tàu vận tải, tàu kéo, 34 tàu vỏ sắt và 6 tàu quân sự.
|
Trung Quốc đã đưa thêm 8 tàu đến hiện trường giàn khoan. |
Để bảo vệ giàn khoan, các tàu của Trung Quốc chia thành 2 lớp ngăn chặn trên các hướng di chuyển của tàu thực thi pháp luật Việt Nam.
Lớp thứ 1 gồm từ 7 đến 11 tàu có trọng tải lớn; lớp thứ 2 gồm các loại tàu nhỏ hơn tập trung ở vùng biển cách giàn khoan ở khoảng 6 đến 8 hải lý.
Bản đồ dọc và nguy cơ leo thang
Việc ngang ngược phát hành tấm bản đồ khổ dọc mới của Trung Quốc "nuốt chửng" biển Đông đã làm dấy lên sự phản đối của cộng đồng quốc tế cũng như chính người dân Trung Quốc.
|
Tấm bản đồ dọc phi lý của Trung Quốc. |
Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo nếu các bên không phản ứng mạnh với tấm bản đồ dọc mới, TQ có thể vin vào nó để đẩy mạnh lấn chiếm, xâm phạm trên biển Đông.
Theo tấm bản đồ,
"đường 10 đoạn" không chỉ xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam mà cũng “liếm” sát bờ biển thuộc bang Sabah của Malaysia và lấn sâu vào biển Natuna của Indonesia. Đến nay, Việt Nam và Philippines đều đã lên án mạnh mẽ bản đồ này.
Tờ The Philippine Star dẫn lời cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez chỉ trích rằng dù không chính thức đưa lên LHQ nhưng việc TQ phát hành bản đồ không có cơ sở pháp lý và lịch sử này là “hành động vô trách nhiệm làm tổn hại hòa bình và an ninh khu vực”.
Trong bài phân tích đăng trên website của Viện Nghiên cứu SAAG (Ấn Độ), tiến sĩ Subhash Kapila cảnh báo
tình hình căng thẳng biển Đông có khuynh hướng leo thang vì TQ sẽ tiếp tục hoàn tất mưu đồ kiểm soát toàn bộ vùng biển này.
Ông lập luận dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa và nhiều đảo, bãi đá ở Trường Sa chỉ là bước đầu cho tham vọng của TQ đối với biển Đông. Ý đồ này đang được TQ hiện thực hóa bằng hình thức cho hải quân, không quân tuần tra trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và tiến hành các cuộc tập trận lớn.
Chuyên gia Kapila cho rằng bước kế tiếp của Trung Quốc có thể là sẽ tiến chiếm thêm nhiều đảo, bãi đá tại đây cũng như lập vùng nhận diện phòng không ở biển Đông và đơn phương ban hành các quy định hạn chế hàng hải khác do hải quân giám sát.