Theo ông Gao Fu - Giám đốc CDC Trung Quốc, không phải tất cả mọi người ở Trung Quốc đều cần tiêm vaccine vì nước này muốn ưu tiên những người làm việc ở tuyến đầu và những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
"Kể từ khi đợt dịch đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc đã sống sót sau tác động của COVID-19 vài lần", ông Gao Fu phát biểu tại một hội nghị cấp cao về vaccine ở thành phố Thâm Quyến vào thứ Bảy. "Việc tiêm chủng hàng loạt vừa đem tới lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Hiện tại không cần thiết phải tiêm vaccine cho toàn bộ người dân".
Nếu chiến lược này được thông qua, Trung Quốc đang cho thấy hướng đi khác biệt so với các quốc gia phương Tây về việc sử dụng vaccine. Chính phủ Australia đã vạch ra kế hoạch triển khai các đợt tiêm chủng đại chúng nhằm dập dịch COVID-19.
Số lượng ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đã được duy trì ở mức thấp sau khi ổ dịch tại Vũ Hán được khống chế. Đã có một số đợt bùng phát tại Cát Lâm (tháng 5) hay Bắc Kinh (tháng 6) và Tân Cương (tháng 7) nhưng không kéo dài quá một tháng.
Ông Gao cho rằng những đợt bùng phát ngắn ngủi này là bằng chứng về các biện pháp ngăn chặn hiệu quả của chính phủ Trung Quốc.
Thay vì tiêm chủng hàng loạt, bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào cũng sẽ được ưu tiên cho những người làm việc ở tuyến đầu, bao gồm: nhân viên y tế, công dân Trung Quốc làm việc ở nước ngoài và những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao như nhà hàng, trường học,....
Hiện Trung Quốc vẫn là một trong những nước đi đầu về cuộc chạy đua sản xuất vaccine COVID-19.
Trong số hơn 30 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người, 9 loại đến từ Trung Quốc và hiện 4 loại vaccine ở giai đoạn thử nghiệm thứ ba cũng là của Trung Quốc.
Vào cuối tháng 6, nước này đã phê duyệt một loại vaccine thử nghiệm để quân đội sử dụng. Và kể từ tháng 7, Trung Quốc đã thử nghiệm vaccine trên những người làm công việc "rủi ro cao" như các chuyên gia y tế và lực lượng biên phòng.