Một số bài báo cho rằng các cuộc biểu tình ở châu Âu và Nam Mỹ là kết quả trực tiếp của sự khoan dung mà phương Tây dành cho Hong Kong, đang bước sang tuần thứ 20.
Trong một bài bình luận được đăng trên tờ Beijing News vào Chủ nhật, nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc Wang Zhen cho biết "tác động tai hại của một 'Hong Kong hỗn loạn' đã bắt đầu ảnh hưởng đến thế giới phương Tây".
Trong tuần qua, phong trào biểu tình đã lan rộng ra không chỉ ở châu Á, châu Âu và khu vực Nam Mỹ, phía Bắc Kinh cho rằng những người biểu tình ở Chile và Tây Ban Nha đã được truyền cảm hứng từ Hong Kong.
Các cuộc biểu tình của Hong Kong đã trở nên ngày càng mất kiểm soát khi phe đối lập liên tục đập phá các cửa hàng được cho là ủng hộ chính quyền.
Vào Chủ nhật, một cuộc tuần hành ở khu mua sắm nổi tiếng Tiêm Sa Chủy (
.Tsim Sha Tsui) nhuốm màu bạo lực khi người biểu tình ném bom xăng tại các ga tàu điện ngầm và cửa hàng.
Theo ông Wang, những người biểu tình ở Tây Ban Nha đã bắt đầu áp dụng các chiến thuật của Hong Kong.
Người biểu tình đã tập trung trên đường phố Barcelona để kêu gọi độc lập cho xứ Catalan sau khi các chính trị gia ủng hộ độc lập bị cầm tù với những bản án lâu năm. Hơn 200 sĩ quan cảnh sát đã bị thương và 171 phương tiện bị hư hại kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra vào tuần trước.
Người biểu tình đốt phá trên đường phố Barcelona hôm 19/10. Ảnh: CNN |
Tại Chile, quân đội đã ban hành lệnh giới nghiêm cho thành phố thủ đô Santiago sau các cuộc biểu tình kéo dài phản đối việc tăng chi phí giao thông công cộng. Đã có 3 người thiệt mạng trong một vụ cháy siêu thị ở Santiago hôm Chủ nhật.
Cùng ngày, một bài xã luận của tờ Global Times đã cáo buộc những người biểu tình Hong Kong "xuất khẩu cách mạng ra thế giới".
"Phương Tây đang phải trả giá cho việc hỗ trợ bạo loạn ở Hong Kong, từ đó thổi bùng lên ngọn lửa bạo lực ở các nơi khác trên thế giới và báo trước những rủi ro chính trị mà phương Tây không thể quản lý", tờ báo chính thống của Trung Quốc đưa ra quan điểm.
Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại thủ đô Santiago của Chile. Ảnh: CNN |
Mỹ đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ người biểu tình Hong Kong, mặc cho những lời phản đối can thiệp tình hình nội bộ của Trung Quốc.
Vào ngày 14/10, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật hỗ trợ các nhà hoạt động Hong Kong, qua đó xem xét cấm vận kinh tế nếu chính quyền đại lục đưa quân đội vào Hong Kong.
Trong một bài xã luận được đăng trên tài khoản Twitter chính thức của Global Times vào ngày 17/10, biên tập viên Hu Xijin cho rằng các cuộc biểu tình có thể lan rộng khắp phương Tây.
"Có nhiều vấn đề ở phương Tây và tất cả đều không được thỏa mãn. Nhiều người trong số họ cuối cùng sẽ biểu hiện theo cách mà các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã diễn ra. Catalan có lẽ chỉ là khởi đầu", ông Hu nhận định.
Đã có một loạt các cuộc tấn công đẫm máu vào những người phản đối và ủng hộ chính quyền Hong Kong trong tháng này. Vào ngày 12/10, một sĩ quan cảnh sát đã bị chém vào cổ khi đi bộ qua ga tàu điện ngầm, cảnh sát đã bắt giữ hai nghi phạm sau đó.
Ba ngày sau, Jimmy Sham - một người tổ chức phong trào biểu tình, đã bị tấn công bởi một nhóm người lạ mặt. Hiện chưa thể biết được khi nào làn sóng biểu tình và bạo lực tại Hong Kong mới chấm dứt.
Trong một bài bình luận được đăng trên tờ People's Daily - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Shen Yi, học giả của Đại học Phục Đán đã cáo buộc phương Tây về "tiêu chuẩn kép" trong các phản ứng của họ đối với các cuộc biểu tình ở các nước khác.
"Chúng tôi vẫn còn nhớ rằng một số người ở phương Tây đã gọi các cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong là một cảnh tượng tuyệt đẹp. Liệu những nhà bình luận tương tự có ủng hộ các cuộc biểu tình ở Catalan hay không? Nếu không, họ đang áp dụng tiêu chuẩn kép cho các vấn đề Hồng Kông và Catalan", theo ông Shen.
Trong một bài viết riêng được công bố trên People's Daily hôm thứ Sáu, nhà ngoại giao Wang Zen đã đặt câu hỏi tại sao những người biểu tình ở Hong Kong được mô tả là "những chiến binh cho tự do và dân chủ", trong khi ở Tây Ban Nha, những người biểu tình ở Catalan là "những kẻ ly khai".