Chơi quan trọng hơn mua
Không cần chờ tới sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, xu hướng tiêu dùng cũng đã dần thay đổi. Người tiêu dùng ngày càng khó tính hơn khi "chốt đơn" trực tuyến, và có xu hướng trở thành khách hàng trung thành với những trải nghiệm được cá nhân hóa. Bởi thế, cần có động lực để kéo họ ra khỏi nhà và tìm đến các TTTM.
Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà đầu tư TTTM đã tích hợp các trải nghiệm từ mua sắm, vui chơi đến ăn uống, giải trí cho khách hàng.
Các thương hiệu như Aeon Mall, Parkson… đã xuất hiện tại Việt Nam từ khá sớm, trong những năm đầu của kỷ nguyên thương mại điện tử. Đã có thời, đến các đại siêu thị để mua sắm được xem như thú vui chơi, nghỉ ngơi. Và các catalog hàng hóa được in màu sắc và phát miễn phí cho khách tới mua hàng, hoặc phát tới cộng đồng dân cư lân cận.
Theo thời gian, công nghệ càng phát triển, trong khi các siêu thị thuần túy hoạt động khó khăn, thì các TTTM lại càng phát huy hiệu quả hoạt động, khi được gắn với sự phát triển của thương mại điện tử và các dịch vụ vui chơi bên cạnh mua sắm.
Theo giám đốc một công ty nghiên cứu thị trường, tuần nào ông cũng đi dạo trong các TTTM để khảo sát. Và dù kết quả đưa lại là “đếm giỏ hàng thì số người thực sự mua sắm không nhiều”, nhưng điều đó không đồng nghĩa với "họ không chi tiêu gì", vị giám đốc này nhận xét.
“Họ đến đây có thể gặp gỡ bạn bè để cùng ăn những món yêu thích, hay đơn giản chỉ để uống một ly cà phê rồi sau đó quay trở về công ty để làm việc” - vị này nói. Điều đó cho thấy, với người Việt, các TTTM đã được định hình không chỉ như là nơi để mua sắm, mà còn là nơi chi tiêu cho hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn.
Chị Hoàng Lan - ngụ tại Q.Hoàng Mai (Hà Nội), có hai con nhỏ cho biết, cuối tuần nào gia đình cũng chọn một trung tâm thương mại để dẫn bé đến chơi. "Mình đi ngắm hàng hóa, gặp món hàng nào thích, giá tốt thì mua. Không thì cả nhà vào khu vực ẩm thực, xem như đi chơi cuối tuần. Vì vậy, mình thường lựa chọn TTTM rộng, đầy đủ dịch vụ như Aeon Mall", chị Lan nói.
Về xu thế tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định: “Nhìn về tương lai, TTTM vốn là điểm hút khách với dịch vụ "all-in-one" (tất cả trong một) thì nay sẽ càng được nhiều người tin tưởng”.
Trên thị trường, có khá nhiều TTTM "all-in-one" đang hoạt động tốt như, Aeon Mall hay Vincom. Các thương hiệu TTTM này luôn có các bước cải tiến về hình thức, mô hình, cách thức hợp tác với những khách thuê khác nhau để phù hợp với thị trường, và không ngừng mở rộng quy mô ra bên ngoài những thành phố lớn.
Chất lượng của “chơi”
Có một nghịch lý, trong khi người Việt giờ đã có thói quen tới TTTM ngày càng thường xuyên hơn, số lượng những TTTM cũng đã nhiều hơn, nhưng, số thương hiệu TTTM trụ lại và phát triển thực sự, lại không nhiều. Điều này có thể được giải thích một phần từ tính chuyên biệt của các TTTM hiện tại.
Trong khi các TTTM tại các dự án, các vùng nội đô hướng tới trải nghiệm khách hàng trong thời gian ngắn, thì cũng có những lựa chọn “ngược dòng”, biến TTTM thành nơi nghỉ dưỡng thực thụ hàng ngày, thay vì mỗi cuối tuần.
Trong giai đoạn xuất hiện đầu tiên và tới hiện tại, Aeon Mall - nhà phát triển TTTM chuyên biệt đến từ Nhật Bản – vẫn có xu hướng chọn những vị trí xa nội đô để phát triển TTTM. Thực tế, các TTTM như Aeon Mall Bình Tân (TP.HCM), Aeon Mall Long Biên, Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội)… đều đặt ở khu vực ngoại vi nội đô.
Đó là lựa chọn có phần khá lạ lùng, đặc biệt khi các TTTM thường đặt tại trung tâm các thành phố lớn. Đáng chú ý, các TTTM mang thương hiệu Aeon Mall không gắn với bất cứ dự án bất động sản nào.
Một chuyên gia thị trường nhận xét, phong cách tối giản của người Nhật dường như đang phát huy hiệu quả tại các TTTM theo mô hình của Aeon Mall tại Việt Nam. TTTM với không gian xanh và trang trí tiết giản lại chính là nơi khách hàng có thể tận hưởng cảm giác sảng khoái thực sự, tránh xa cảm giác chật chội của cao ốc trong thành phố.
Aeon Mall có xu hướng khai thác tối đa tâm lý yêu thích hàng Nhật và các giá trị Nhật của người Việt. Sau đó là triển khai phân bổ, sắp xếp không gian giữa vui chơi, giải trí, ẩm thực… kết hợp với mua sắm một cách tinh tế và hợp lý.
“Tính hợp lý trong sắp đặt chuỗi các dịch vụ phù hợp với nhịp sinh hoạt của dân cư là đặc trưng lớn nhất tại các TTTM mang thương hiệu Aeon Mall, và cũng là điểm phân biệt rõ nhất với các TTTM khác”, chuyên gia này nhận xét.
Thực tế, bên cạnh các chuỗi dịch vụ khép kín, các TTTM “kiểu Nhật” này luôn có bãi đỗ xe rộng hơn so với các TTTM khác, thậm chí tiêu chuẩn chăm sóc được mở rộng tới cả nhà vệ sinh cho gia đình, khu chức năng cho từng đối tượng (phòng hút thuốc, phòng thay tã cho trẻ em, nhà vệ sinh cho người khuyến tật), hệ thống bảng biển thân thiện và rõ ràng, khu vực chung được bố trí hợp lý, nhiều ghế nghỉ dành cho khách hàng,…
Một bà mẹ đưa con đến TTTM, vào nhà vệ sinh dành riêng cho trẻ em thay bỉm cho con, chỉ cần xoay người sang trái có thể với được giấy lau, xoay người sang phải là thùng rác, đó là sự hợp lý trong tính sắp đặt cá nhân hóa và tạo ra thiện cảm với khách của các TTTM Nhật Bản này.
Tất nhiên, đặc điểm này có thể do mục tiêu đầu tiên là xây dựng TTTM chuyên biệt phục vụ mục đích kinh doanh, chứ không phải như một giá trị gia tăng của dự án bất động sản.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng nên tư duy, việc xác lập các đặc điểm riêng trong vận hành TTTM là điều mà nhà đầu tư nào cũng có thể thực hiện được. Nên khi đặc điểm của các TTTM cứ “na ná” giống nhau, thì rõ ràng đó là hạn chế của chính các nhà khai thác, vận hành, thay vì là hạn chế từ đối tượng khách hàng người Việt.
Điều này cũng có nghĩa, bên cạnh sự sang trọng về kiến trúc và nội thất, các nhà phát triển TTTM Việt đang thực sự cần lột xác về chất lượng phục vụ khách Việt. Vấn đề đặt ra, nếu chỉ cạnh tranh bằng lợi thế vị trí nhưng lại cào bằng về dịch vụ, thì các TTTM có thực sự đem lại giá trị vui chơi, mua sắm, hay xa hơn là định hình tiêu chuẩn cuộc sống cho người Việt?