Truyền thông quốc tế đã có những bài viết đánh giá cao những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam thực hiện ngay sau khi xuất hiện trở lại các ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong cộng đồng, đồng thời bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình nhờ kinh nghiệm và những trang thiết bị sẵn có.
Hãng tin Bloomberg ngày 28/7 đăng bài viết khen ngợi Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai kế hoạch giãn cách xã hội và ban hành trở lại các biện pháp phòng dịch, sau khi phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở thành phố Đà Nẵng.
Trong khi đó, trang Nikkei của Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền các địa phương kiểm soát chặt chẽ hơn các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước đó một ngày, trang mạng The Diplomat nhận định có nhiều yếu tố cho thấy Việt Nam có thể kiểm soát được tình hình. Theo The Diplomat, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm, không chỉ riêng dịch COVID-19.
Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bị đại dịch tấn công, Việt Nam sớm nhận thức về tầm quan trọng của việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nhờ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan ngay từ sớm, Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công hai đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đó vào tháng 1 và tháng 3/2020, thể hiện bằng số ca bệnh thấp hơn nhiều so với những quốc gia lân cận và không có trường hợp tử vong. Đây được cho là cơ sở để quốc tế tin tưởng rằng Việt Nam có thể xử lý tốt dịch bệnh.
Theo The Diplomat, khi có báo cáo về ca nhiễm thứ 416 (trường hợp lây lan trong cộng đồng đầu tiên sau hơn 3 tháng tại Việt Nam), chính quyền thành phố Đà Nẵng đã áp dụng mô hình chống dịch của Hà Nội trước đây.
Đó là phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để thực hiện các biện pháp như truy vết nguồn bệnh một cách quyết liệt, lập các chốt kiểm dịch bắt buộc và tăng cường phun thuốc khử trùng.
Điều này từng giúp chính phủ ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng trước đây và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn trong thời gian phong tỏa.
Đà Nẵng vừa nhận được Chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, theo đó cấm người dân tụ tập nơi công cộng, trong khi chính quyền nỗ lực tiến hành các chiến dịch sàng lọc và khử trùng diện rộng, hạn chế số lượng lớn người ra vào Đà Nẵng.
The Diplomat nhận định, với những hành động quyết liệt này, Đà Nẵng có thể kiểm soát sự lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng và Việt Nam có thể xử lý đợt dịch này thông qua việc phong tỏa các địa phương nguy cơ cao như Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, thay vì giãn cách xã hội trên toàn quốc như vài tháng trước.
The Diplomat nhấn mạnh tới yếu tố kinh nghiệm chống đại dịch của Việt Nam trong suốt nửa năm qua kết hợp với việc sở hữu thêm nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến hơn - yếu tố cần thiết để đối phó với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm mới.
Trang thiết bị tốt hơn cũng được cho là sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng - một yếu tố chính từng giúp Việt Nam chiến thắng COVID-19 thời gian trước.
Sau khi xuất hiện các trường hợp nhiễm mới ở Đà Nẵng, một số địa phương yêu cầu người dân, đặc biệt là những người từ Đà Nẵng trở về, cài đặt các ứng dụng di động như nCOVI và Bluezone do Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo sử dụng.
Những úng dụng này sẽ thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏecủa người dân, giúp chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình đại dịch và ứng phó kịp thời. Thông qua ứng dụng, người dân cũng sẽ được cập nhật thông tin về những trường hợp nhiễm bệnh mới cũng như cách thức giữ gìn sức khỏe và tránh bị lây nhiễm giữa đại dịch.
Bài viết dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây kết luận, với những gì đã làm được, Việt Nam có thể duy trì đà chiến đấu chống đại dịch COVID-19 trước khi có vắcxin phòng bệnh và tiếp tục đối phó một cách hiệu quả như đã làm được trong những tháng qua./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN) |