Những suy đoán đã xuất hiện sau khi Chủ tịch Kim Jong-un vắng mặt trong lễ viếng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 - một lễ kỷ niệm quan trọng của Triều Tiên.
Hãng thông tấn KCNA hôm 21/4 chỉ đề cập tới việc Chủ tịch Kim Jong-un gửi tặng quà sinh nhật tới một số công dân tiêu biểu. Trong khi tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, thì chỉ đưa các tin bài về nền kinh tế tự lực và các biện pháp chống dịch COVID-19.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đã dẫn lời một quan chức chính phủ nói rằng thông tin Chủ tịch Kim bị bệnh nặng là "không đúng sự thật".
Trả lời hãng tin Reuters, một quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảm nhận việc liên lạc với Triều Tiên, cho biết rằng không có lý do gì để tin rằng ông Kim bị bệnh nặng.
Các chuyên gia về Triều Tiên cảnh báo rằng những thông tin liên quan tới tình hình sức khỏe của lãnh đạo nước này thường rất khó nắm bắt, nhưng nhấn mạnh rằng sự vắng mặt trong buổi lễ hôm 15/4 của ông Kim báo hiệu một điều gì đó đã xảy ra.
Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho biết: "Chúng tôi không có thông tin nào để xác nhận về những tin đồn liên quan tới vấn đề sức khỏe của Chủ tịch Kim Jong Un. Ngoài ra, không có diễn biến bất thường xảy ra bên trong Triều Tiên".
Phía Nhà Xanh sau đó cho biết Chủ tịch Kim được cho là đang ở tại một địa điểm không xác định bên ngoài Bình Nhưỡng cùng với một số người thân cận.
Ai có thể là người kế nhiệm?
Bất chấp các thông tin đồn đoán, chính phủ Hàn Quốc khẳng định Chủ tịch Kim Jong-un dường như vẫn tham gia vào các vấn đề nhà nước và không có bất kỳ chuyển động hay phản ứng khẩn cấp bất thường nào từ đảng Lao động Triều Tiên, quân đội hoặc nội các.
Hãng thông tấn AP đã trích dẫn ý kiến của ông Cheong Seong-chang, một nhà phân tích tại Học viện Sejong ở Hàn Quốc, cho rằng biến động chính trị tại Triều Tiên sẽ khó xảy ra vì bà Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim, đang có ảnh hưởng lớn trong thượng tầng nhà nước và giới lãnh đạo Triều Tiên vẫn duy trì sự ủng hộ đối với gia tộc Kim.
Tuy nhiên, Koh Yu-hwan, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Seoul Dongguk và là cố vấn chính sách cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhận thấy khả năng của một cuộc đấu tranh quyền lực.
Bà Kim Yo-jong (phải), em gái của Chủ tịch Kim Jong-un, có thể đảm nhận vị trí thay anh trai. |
"Trong khi Kim Yo-jong rất có thể sẽ nổi lên như một nhà lãnh đạo trong một giai đoạn chuyển tiếp, các thành viên khác trong giới thượng tầng Triều Tiên có thể cố gắng làm suy giảm ảnh hưởng để bà Kim chỉ có thể trở thành nhà lãnh đạo không có thực quyền", chuyên gia Koh nhận định.
Hong Min, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, đặt ra khả năng nếu ông Kim tiếp tục vắng mặt dài hạn, bộ máy chính trị Triều Tiên có thể được vận hành bởi một tập thể các quan chức cấp cao, tương tự Liên Xô thời hậu Stalin.
"Mặc dù có lẽ còn quá sớm để suy nghĩ về một Triều Tiên không có Kim Jong-un, nhất là khi tuổi tác của nhà lãnh đạo này còn rất trẻ, nhưng các bệnh lý tim mạch và tình trạng thừa cân có thể ảnh hưởng tới khả năng cầm quyền của ông Kim trong tương lai", Hong Min nói.
Đây không phải lần đầu ông Kim biến mất khỏi truyền thông trong nước. Năm 2014, Chủ tịch Triều Tiên cũng đã biến mất trong 6 tuần trước khi xuất hiện trước công chúng và phải chống gậy. Giới tình báo Hàn Quốc khi đó cho biết nhiều khả năng ông Kim đã phải làm phẫu thuật cắt bỏ u nang khỏi mắt cá chân.