Sau một thời gian nghiên cứu, xem xét, tòa án Italy đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng tinh trùng và trứng của người hiến tặng để thụ tinh nhân tạo nhằm điều trị cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, quyết định trên chính thức có hiệu lực từ ngày 19/6.
Ảnh minh họa. |
Filomena Gallo, nhà khoa học thuộc “Hiệp hội Luca Coscioni” - Hiệp hội gồm những nhà khoa học hàng đầu thúc đẩy quyền tự do nghiên cứu khoa học cho biết, các nhà khoa học Italy đã chính thức được phép tiến hành điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ trứng và tinh trùng của những người hiến tặng tại các trung tâm của nhà nước cũng như tư nhân. Đây là tin vui đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Italy.
Hồi tháng Tư, Tòa án Hiến pháp Italy đã ra phán quyết rằng, sinh con là quyền bất khả xâm phạm của mỗi cặp vợ chồng, ngay cả trong trường hợp họ vô sinh.
Do đó, Tòa án đã phán quyết bác bỏ lệnh cấm vào năm 2004, không cho phép các bác sỹ tiến hành thụ tinh nhân tạo từ người hiến tặng, luật bắt buộc các bác sỹ điều trị thụ tinh nhân tạo phải từ tinh trùng và trứng của cặp vợ chồng có nhu cầu sinh sản.
Điều khoản luật về vấn đề thụ tinh nhân tạo cũ được thông qua do sự vận động của liên minh các đảng phái theo tư tưởng Công giáo bảo thủ ở Italy, nó không cho phép dùng các biện pháp kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trợ giúp điều trị khả năng sinh sản đối với bà mẹ độc thân, các cặp đồng tính, phụ nữ ngoài độ tuổi sinh đẻ.
Trước đó, năm 2012, Tòa án Nhân quyền châu Âu ở Strasbourg cũng đã bác bỏ điều luật cấm sự dụng biện pháp hỗ trợ thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng và trứng của người hiến tặng để điều trị cho các cặp hiếm muộn vì cho rằng nó đi ngược lại hai điều khoản trong Công ước bảo vệ các quyền con người.
Theo Gallo, sau khi có phán quyết mới của Tòa án, hàng ngàn cặp vợ chồng người Italy đã gửi đơn xin được tiến hành các thủ tục và biện pháp thụ tinh nhân tạo từ người hiến tặng./.