Dự án trên được thực hiện từ năm 2016 - 2020 với tổng mức vốn đầu tư dự kiến 6.740 triệu đồng từ nguồn Ngân sách tỉnh An Giang 100%.
Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng, tu bổ, tôn tạo Khu di tích văn hóa Óc Eo đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo tồn di vật; tôn tạo mỹ quan cho khu di tích; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho di tích quốc gia đặc biệt, phục vụ việc xây dựng hồ sơ di sản để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Óc Eo được biết tới là một di tích rất lớn- trung tâm văn hóa cổ của đồng bằng sông Cửu Long, một hình mẫu của sự kết hợp những yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong sự phát triển; một vốn quý và điểm chốt quan trọng trong việc nghiên cứu những vấn đề lịch sử văn hóa của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Từ những hiện vật phát hiện được ở quần thể di tích phân bố trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã chứng minh sự tồn tại của vương quốc Phù Nam phồn thịnh và có tầm ảnh hưởng bao trùm cả vùng Nam Bộ từ thế kỉ I đến thế kỉ VII.
Các dấu vết còn sót lại để chứng minh nơi đây từng là thành cổ hay thị cảng sầm uất này được nhà khảo cổ người Pháp phát hiện và công bố vào năm 1942.
Hai năm sau đó, nhiều di tích khác ở khu vực này được khai quật, gồm:giồng Cát, giồng Xoài, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Da, Gò Út Trạnh, Gò Cây Me, Gò Tư Trâm, Gò Út Nhanh, Nam Linh Sơn, di chỉ đá nổi…với nhiều hiện vật quý giá khác. Điều đó cho thấy xã hội thời bấy giờ rất phát triển với nhiều ngành nghề thủ công tiêu biểu như nghề gốm, luyện đồng, luyện sắt, thiếc và kim hoàn. Đặc biệt là nghệ thuật tạc tượng điêu luyện với 2 nhóm tiêu biểu là tượng Ấn Độ và Phật giáo.
Từ năm 1998 đến năm 2002, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lần lượt công nhận khu di tích kiến trúc nghệ thuật Hai Bia, tượng Phật 4 tay cùng 2 di tích khảo cổ Nam Linh Sơn tự và Gò Cây Thị là các khu di tích cấp Quốc gia. Ngày 14-9-2012, Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận Óc Eo-Ba Thê là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.