Sách giáo khoa chỉ vài quyển, sách bài tập bổ trợ gấp đôi
Lấy 1 ví dụ cụ thể về bộ Sách Giáo Khoa lớp 5 (bộ 21 Cuốn gồm bài học và bài tập bổ trợ) do Bộ Giáo dục quy định bao gồm những đầu sách được sử dụng trong giảng dạy và học tập trong toàn quốc, có giá bán là hơn 200 ngàn đồng. Trong đó, mỗi sách học chính đi kèm một quyển sách bài tập bổ trợ phụ, như: bài tập địa lý, bài tập lịch sử… có cả luyện viết chữ, tập vẽ. Một phụ huynh trăn trở “Lớp 5 rồi mà vẫn còn tập viết chữ đẹp. Trong khi chủ trương của ngành Giáo dục là giảm tải nhưng thực tế con của tôi phải mua hàng chục đầu sách của NXB Giáo dục theo hệ thống phát hành của nhà trường. Và không có chọn lựa khác”.
Được biết, sách bài tập toán, bài tập Tiếng Việt không được dùng thường xuyên, có trường học dùng đến nhưng có trường suốt 2 học kỳ vở bài tập vẫn mới nguyên vì chỉ học sách chính và nội dung ghi chép trong vở qua bài giảng của giáo viên. Một em học sinh chia sẻ với PV khi đang mua thêm sách bài tập bổ trợ: “Vở bài tập tự nhiên & xã hội, bài tập lịch sử, bài tập địa lý, bài tập khoa học, hướng dẫn tin học, hoạt động trải nghiệm, an toàn giao thông gần như mua rồi để đấy rất ít hoặc không bao giờ học đến.”
Khi PV hỏi, tại sao không dùng đến mà vẫn mua? Em cho biết, ban đầu em chỉ mua sách giáo khoa bài học, nhưng khi vào lớp, giáo viên nào cũng yêu cầu có đủ bộ như vậy. Bạn nào cũng mua, nên em phải đi mua thêm cho đủ.
Một học sinh phải đi mua bổ sung thêm sách bài tập bởi ban đầu nghĩ không cần thiết nên không mua. |
Một bà mẹ có con đang học lớp 7 tại một trường trung học cơ sở TP.HCM cho hay, thật sự bất ngờ khi bộ sách của con có tới 38 đầu sách. "Nhìn số lượng sách của con mà tôi thực sự choáng váng”. Nhìn bìa giới thiệu sau mỗi quyển sách giáo khoa mà Bộ GD&ĐT liệt kê thì chỉ 10 đầu sách với giá chỉ hơn 90.000 ngàn đồng. Nhưng thực tế, con tôi được yêu cầu mua trọn bộ đầy đủ các cuốn để phục vụ học tập lên tới 345.000 đồng, chưa kể bộ đồ dùng bổ trợ, bảng công thức tổng hợp hoá, sinh, toán. Còn có các loại nâng cao, thỉnh thoảng con tôi về xin mua vì trường gợi ý… - Phụ huynh này cho biết.
Một số trường học yêu cầu học sinh mua trọn bộ sách, một số nhà sách lại bán sách theo kiểu “ấn vào tay” hay “bia kèm lạc”. Tức là cách xếp vở luyện viết, sách bài tập, sách tham khảo vào chung một bộ sách của khối ấy. Khi mua, phụ huynh sẽ dễ nhầm tưởng những quyển này cũng nằm trong danh sách những cuốn sách giáo khoa bắt buộc.
Một nhân viên nhà xuất bản giáo dục cũng là phụ huynh học sinh chia sẻ, “Sách bài tập bổ trợ gần như không dùng trong nhà trường đâu. Nhưng quy định của trường là phải mua đủ, nên dù biết vậy phụ huynh học sinh cũng phải mua cho con em của mình”.
Ngoài những SGK và sách bài tập bổ trợ trong nhà trường còn có vô số các đầu sách dựa vào chương trình dạy mà làm ra như sách văn mẫu, sách bồi dưỡng, sách giải... Tuy không bắt buộc, nhưng nếu có trường gợi ý thì học sinh cũng mua về dùng. |
Giáo dục hay tận thu?
Theo tìm hiểu của PV, mỗi đầu sách bài tập, sách bổ trợ đi kèm sách giáo khoa có giá từ 10 - 15 ngàn đồng. Ước tính, trung bình một em học sinh trong một năm học ngoài số tiền khoảng 100 ngàn đồng mua sách học chính, gia đình các em phải bỏ thêm khoảng 170 ngàn đồng mua số sách bài tập, sách bổ trợ kèm theo mà không hề dùng đến. Đây là số tiền mà người nghèo, người lao động có thu nhập thấp, người thu nhập dưới 3 triệu đồng hàng tháng mơ ước kiếm được mỗi ngày lao động. Nếu gia đình nào có hơn 1 con em đến trường, thì số tiền dành cho mua sách này theo đó nhân lên.
Chưa có số liệu thống kê chính thức về học sinh tham gia chương trình Giáo dục phổ thông của năm nay. Tuy nhiên, theo số liệu của năm trước ước tính là: 17.055.000 (Trong đó, cấp Tiểu học: 8.660.000, Trung học cơ sở: 5.550.000, Trung học phổ thông: 2.599.000 học sinh). Nếu mỗi học sinh đều mua hơn phân nửa sách bổ trợ đi kèm với sách giáo khoa chính bộ sách được yêu cầu, thì tổng số tiền dành cho số sách bổ trợ này là 289.935.000.000 đồng/năm.
Riêng lớp 1, áp dụng chương trình đổi mới thì có đến 5 bộ SGK khác nhau tuỳ trường khiến phụ huynh vô cùng đau đầu trong chọn lựa. Ảnh: Bùi Kiều Trang |
Phụ huynh T.T. có con đang theo học một trường tiểu học ở Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ, chị có 2 con gái đều đang học tiểu học tại trường công lập, mỗi năm các em dư ra các sách như sách tập hát, sách bài tập đạo đức, sách mô hình... vì hầu như không dùng đến. “Mỗi quyển sách này khi mua giá bìa từ 4 đến 5 ngàn đồng. Không dùng thì để riêng ra đó, khi nào có chương trình từ thiện tặng sách thì mang cho hoặc để bán giấy vụn”.
Ngoài số tiền mua sách giáo khoa còn có tiền mua tập vở cho con em, mỗi tập vở trắng có giá trên thị trường hiện nay có giá thấp nhất là 6.000 đồng. Mỗi môn học đều phải có tập vở ghi chép riêng. Bên cạnh đó, các khoản khác đóng vào trường cho mỗi năm học từ học phí đến cơ sở vật chất, xây dựng thì mỗi năm học, số tiền các phụ huynh phải chi cho con em được đến trường từ lớp 1 đến lớp 12 là rất lớn.
Bộ GD&ĐT: Xử lý nghiêm các trường hợp ép học sinh mua sách tham khảo
Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị SGK theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021.
Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và điều lệ trường học.
Trong đó, yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, HS tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; các cơ sở giáo dục phổ thông phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để HS, phụ huynh biết lựa chọn.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Sở GD&ĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.