Từ ngày 25/5, các mức lãi suất điều hành sẽ giảm thêm 0,5%

(Ngày Nay) - Đây là lần thứ 3 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế kể từ đầu năm 2023.
Từ ngày 25/5, các mức lãi suất điều hành sẽ giảm thêm 0,5%

Theo các chuyên gia kinh tế, biện pháp hạ lãi suất điều hành nhằm mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy nhanh tăng trưởng.

Cụ thể: NHNN thông báo có 2 quyết định điều hành lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5. Đó là Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23/5 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Tiếp đó là Quyết định số 951/QĐ-NHNN ngày 23/5 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Theo NHNN, việc giảm lãi suất điều hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho vay và vay trong hệ thống ngân hàng. Những biện pháp này dự kiến sẽ khuyến khích đầu tư và tiêu dùng, góp phần vào sự ổn định và phát triển tổng thể của nền kinh tế Việt Nam. Phía NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thị trường và áp dụng chính sách tiền tệ phù hợp nhằm duy trì ổn định kinh tế tổng hợp và đảm bảo hoạt động hiệu quả của hệ thống tài chính.

Trước đó, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn than về khó khăn dòng tiền, tiếp cận vốn vay khó với lãi suất cao. Trong cuộc họp cuối tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước sử dụng tối đa các biện pháp để giảm chi phí, hạ lãi suất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, chính sách tiền tệ năm nay phải đa mục tiêu hơn vì gánh thêm nhiệm vụ ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có rất nhiều bất ổn.

“NHNN đã chuyển trạng thái chính sách từ chặt chẽ, thận trọng sang nới lỏng thận trọng để hỗ trợ tăng trưởng. Cần tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng”, ông Cấn Văn Lực cho biết.

Ngoài ra, chính sách tài khóa còn nhiều dư địa khi nợ công và nợ Chính phủ ở mức khá xa so với mức trần cho phép, vì vậy chính sách tài khóa tiếp tục phải là chính sách chủ lực hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, cần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023; yêu cầu đẩy nhanh hoàn thuế VAT; chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2% VAT và các phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí,… hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Phối hợp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội để giảm ách tắc dòng tiền, tăng thanh khoản cho hệ thống, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển cũng là giải pháp cần ưu tiên thực hiện.

TS Cấn Văn Lực dự báo: Về tín dụng, khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 13%, thấp hơn con số mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% của NHNN. Huy động vốn và tốc độ tăng cung tiền cũng dự báo khả quan hơn năm trước với mức tăng trưởng khoảng 10% (năm 2022 tăng 8%), đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán dự báo cũng phục hồi trở lại, tăng khoảng 15%.

Nhà cửa và ruộng lúa ở thị trấn Buguey, tỉnh Cagayan chìm trong biển nước. Ảnh: Getty Images
Philippines chao đảo khi 5 cơn bão lớn tấn công chỉ trong 3 tuần
(Ngày Nay) - Tuần trước, bão Yinxing đã xé toạc 1/4 mái nhà của bà Diana Moraleda tại thị trấn Appari, tỉnh Cagayan, miền Bắc Philippines. Lỗ thủng trên mái nhà vẫn còn đó khi bão Toraji gây mưa lớn vào cuối tuần và bão Usagi đổ bộ vào đất liền vào tối ngày 14/11.
Chuẩn bị tiêm vaccine phòng cúm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Thêm một ca tử vong do cúm A/H1 pdm
(Ngày Nay) - Ngày 15/11, thông tin từ trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo gửi Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế về ca bệnh tử vong do cúm A/H1 pdm.
Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng ghi nhận trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện gia tăng.
TP HCM: Số trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện gia tăng
(Ngày Nay) - Thời gian gần đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận số trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện gia tăng; trong đó, nhiều trẻ nhập viện khi đã có dấu hiệu nặng như sốc sốt xuất huyết, suy đa cơ quan.