Hơn 100 năm trước, người Pháp đã xây dựng hệ thống giao thông đa phương thức và liên hoàn giữa xe lửa, xe buýt, xe điện, bến cảng… ở ngay trung tâm Sài Gòn. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài của tác giả Nguyễn Đức Hiệp về những tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam, thậm chí là tuyến đường sắt đầu tiên ở Đông Dương. Những tuyến hỏa xa nối vùng đô hội Sài Gòn với các địa phương từ phía Bắc xuống phía Nam, tạo nên một diện mạo giao thông mới của vùng đất này hồi đầu Thế kỷ 20.
Trong nhiều thành phố trên thế giới nói chung và ở vùng châu Á, Thái Bình Dương nói riêng, các ga xe lửa chính của thành phố là các công trình kiến trúc độc đáo và to lớn chứng kiến thời hoàng kim của thời kỳ hoả xa trong giao thông và chuyên chở vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Trước khi đường bộ và đường hàng không trở thành phương tiên giao thông phổ thông vào thập niên 1930 và 1940 thì các nhà ga xe lửa trung tâm như ở Yangon, Miến Điện, Hua Lampong Bangkok, Thailand, Jakarta, Nam Dương, Kuala Lumpur, Mã Lai, Mumbai, Ấn Độ, Taipei, Đài Loan, Tanjong Pagar, Singapore không những là các công trình kiến trúc qui mô có giá trị mà còn là cửa ngõ giao thông chuyên chở chinh từ đó đi khắp nơi trong nước. Hiện nay đa số các nhà ga này vẫn còn hoạt động và được xếp vào di sản kiến trúc và lịch sử cần được bảo tồn ở cấp thành phố hay quốc gia.
Sài Gòn là nơi có đường xe lửa đầu tiên ở Đông Dương: đường tramway Sài Gòn - Chợ Lớn chạy bằng hơi nước khánh thành ngày 27/12/1881, chỉ sau 20 năm khi Pháp chiếm Sài Gòn và lúc đó thành phố vẫn còn đang trong thời kỳ quy hoạch phát triển ở trung tâm. Đường Nguyễn Huệ chưa có và vẫn còn là một con kênh, gọi là kênh Lớn hay kênh Chợ Vãi.
Tramway Sài Gòn - Chợ Lớn. |
Giữa thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đa số vẫn còn là đồng ruộng và cánh đồng mả (plaine des tombeaux), đường Trần Hưng Đạo chưa có. Phương tiện di chuyển và chuyên chở hàng hoá chính giữa Saigon-Chợ Lớn là dựa vào thuyền ghe qua kênh rạch và qua đường đi bộ hay xe ngựa trên route Haute (đường trên) nối Sài Gòn với Chợ Lớn trên rue de Cay-mai (đường Cây Mai hay Nguyễn Trãi ngày nay).
Khánh thành đường xe lửa tramway Sài Gòn đi Chợ Lớn chạy bằng hơi nước trên Đường trên (route haute) năm 1881 đánh dấu sự khởi đầu của lịch sử hoả xa ở Việt Nam và sự đi xuống của phương tiện giao thông qua kênh rạch. Năm 1885, đường xe lửa Saigon - Mỹ Tho đi vào hoạt động và Mỹ Tho trở thành tâm điểm giao thông từ miền Tây Nam bộ. Và hai năm sau, năm 1887 kênh Lớn được lấp trở thành đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) và nhiều kênh rạch khác ở Saigon và xung quanh sau đó cũng được lấp dần.
Lịch sử hoả xa ở Sài Gòn từ xe lửa hơi nước đến xe điện từ cuối thế kỷ 19 đến thập niên 1950 của thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng son của xe lửa. Đây là phương tiện chuyên chở giao thông chính. Trạm xe lửa Sài Gòn, tức ga Sài Gòn, đầu tiên (1885-1915) có vị trí ở đầu đường rue de Canton (Hàm Nghi ngày nay) gần sông Sài Gòn, đến năm 1915 thì dời đến ngay trung tâm gần chợ Bến Thành ngày nay.
Tàu hỏa nội đô Sài Gòn chạy bằng đầu máy hơi nước cỡ nhỏ trên đường Trarner, nay là Đại lộ Nguyễn Huệ. |
Từ cuối thập niên 1900 đến 1950, người Sài Gòn di chuyển đi lại trong Sài Gòn, Chợ Lớn và các ngoại ô như Thị Nghè, Gò Vấp chủ yếu là dùng đường xe lửa hơi nước và xe điện tramway trong các tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Gò Vấp - Hóc Môn - Lái Thiêu - Sài Gòn.
Trong thời gian từ năm 1945 đến 1975, trừ đường Sài Gòn - Biên Hoà, hệ thống cơ sở hạ tầng và hoạt động hoả xa ở Sài Gòn và miền nam hoặc qua sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh đã bị bỏ rơi hay không còn có giá trị thương mại và đầu tư của chính phủ vì quá tốn kém và không an ninh.
Sau năm 1975, ga Sài Gòn được phá dỡ không còn ở trung tâm và được dời ra quân 3. Khu vực ga Sài Gòn ngày xưa nay là khách sạn New World và khu công viên 23/9.
Vết tích duy nhất ở Saigon còn lại về thời đại hoả xa ở Sài Gòn là toà nhà Bureau du Chemin de fer của công ty Hoả xa Đông Dương mạng phía nam (Chemin de fer de l’Indochine, CFI, réseau du sud). Một toà nhà mà không người Sài Gòn nào khi đi qua bùng binh chợ Sài Gòn lại không biết đến.
Toà nhà Bureau du Chemin de fer của công ty Hoả xa Đông Dương (bên phải) còn hiện diện tới tận ngày nay |
Mặc dù ít ai biết về lịch sử toà nhà và hệ thống đường xe hoả và xe điện ở Sài Gòn trong thời đại hoàng kim của ngành chuyên chở hoả xa vào thế kỷ trước, nhưng đây cũng là một biểu tượng di sản kiến trúc và lịch sử quí giá có một không hai của Sài Gòn.