Tại kỳ đại hội này, môn bóng đá nữ có 16 đội tham dự được chia làm 5 bảng đấu, gồm 2 bảng 4 đội, 2 bảng 3 đội và 1 bảng 2 đội (Campuchia xin rút lui). Kết thúc vòng bảng, 5 đội nhất bảng cùng 3 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ giành vé vào tứ kết. Vì số đội ở mỗi bảng đấu không đều nhau nên theo thể thức thi đấu do Ban tổ chức quy định, ở những bảng đấu có 4 đội, kết quả thi đấu với đội xếp thứ 4 không được tính khi xếp hạng 3 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.
Ở bảng D, đội tuyển nữ Việt Nam nhiều khả năng xếp nhì bảng, trên Nepal và Bangladesh (cả 2 đội đều thua trong 2 trận gặp Việt Nam) vì đội tuyển Nhật Bản được đánh giá là mạnh nhất bảng này. Như vậy, gần như chắc chắn đội tuyển nữ Việt Nam sẽ cạnh tranh 1 trong 3 tấm vé vào tứ kết dành cho 3 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.
Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ cạnh tranh với 3 đội xếp thứ 2 ở các bảng A, B và E (bảng C chỉ có 2 đội tham dự nên không tính đội nhì bảng). Đội tuyển nữ Việt Nam thắng Nepal 2-0, thắng Bangladesh 6-1, nên dù đội nào trong hai đội này xếp thứ 3 bảng D thì các học trò của huấn luyện viên Mai Đức Chung dự kiến sẽ có ít nhất 3 điểm. Nếu Bangladesh thắng Nepal, đội tuyển nữ Việt Nam càng lợi thế khi so sánh với 3 đội nhì bảng khác vì thắng đậm Bangladesh 6-1.
Đối thủ cạnh tranh vé vào tứ kết với đội tuyển nữ Việt Nam dự kiến là Uzbekistan (bảng A, tối 25/9 mới đá trận đầu tiên), Thái Lan hoặc Đài Bắc Trung Hoa (bảng B, mỗi đội đã có 3 điểm) và Philippines hoặc Myanmar (bảng E, dự kiến có 3 điểm).
Như vậy, đội tuyển nữ Việt Nam có cơ hội vào tứ kết và cơ hội sẽ khá cao nếu Bangladesh thắng Nepal hoặc nếu Uzbekistan không thắng hoặc thắng Mông Cổ với cách biệt tỷ số thấp, hoặc nếu đội tuyển nữ Việt Nam có điểm hay thua Nhật Bản với cách biệt tỷ số thấp.