Chủ trương thực hiện lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển đại học trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Có ý kiến cho rằng điều này gây nhiều phiền phức trong thủ tục cho thí sinh, ảnh hưởng đến quyền được lựa chọn của các em và vi phạm quyền tự chủ của các trường vốn đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục Đại học, trong khi hiệu quả mang lại không nhiều.
Vi phạm quyền tự chủ đại học?
Thực hiện lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển thay vì chỉ lọc ảo ở phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một trong những điểm mới quan trọng nhất của dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy, điều này nhằm khắc phục tình trạng thí sinh ảo và tạo sự thuận lợi hơn trong tuyển sinh cho các trường, tránh tình trạng một số trường ép thí sinh nhập học sớm.
Phó giáo sư Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng việc sử dụng chung phần mềm để xét tuyển chung, lọc ảo chung là cần thiết, vừa giúp thí sinh chọn được đúng nguyện vọng, vừa giúp các trường có thể lọc ảo.
Tuy nhiên, tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng điều này vừa không khả thi về mặt kỹ thuật, vừa vi phạm vào quyền tự chủ của các trường, gây phiền phức cho thí sinh.
Phân tích cụ thể, ông Chính cho hay hiện hệ thống hoàn toàn chưa có. Các trường chưa được hướng dẫn là phải thực hiện như thế nào, chưa có tập dượt, chưa có thử nghiệm, mà đó là một hệ thống cho toàn quốc. Vì thế, ông Chính cho rằng để đến tháng Bảy áp dụng là hoàn toàn khó khả thi.
“Bộ yêu cầu các trường phải có đề án, mọi thứ phải được công bố sớm, phải được thẩm định. Thế nhưng bộ lại chưa có hệ thống để thẩm định. Thay vào đó, đề án của bộ chỉ mới dừng ở dự thảo... Tất cả mọi người từng tham gia lọc ảo đều biết nó rất phức tạp. Nếu đến tháng Bảy phần mềm chạy không thông, các trường không tuyển sinh được thì ai chịu trách nhiệm?” ông Chính đặt câu hỏi.
Cán bộ Đại học Thủy lợi xử lý hồ sơ xét tuyển đại học vào trường. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Cũng theo ông Chính, mỗi đại học có một sứ mạng, tầm nhìn, định vị, mỗi ngành có một tiêu chí cụ thể. Vì thế, chỉ có trường mới hiểu thí sinh của họ là ai và từ đó trường có giải pháp linh động, hướng tới nhiều đối tượng thí sinh khác nhau để phù hợp với tính đa dạng ngành nghề của trường theo nhiều phương thức xét tuyển.
Ở một góc độ khác, tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính cho rằng vấn đề không chỉ ở kỹ thuật mà điều lớn hơn là việc bộ chủ trương lọc ảo chung đã vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học vốn được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục Đại học, thể hiện tư tưởng quản lý theo hướng kiểm soát thay vì kiến tạo.
“Luật Giáo dục Đại học ghi rất rõ ràng rằng tuyển sinh là sự tự chủ của các đại học nhưng bộ lại gom hết các trường lại, xét tuyển chung trong một đợt, với một phần mềm chung. Như vậy là đi ngược lại với các quy định trong luật,” tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính nói.
Theo đó, ông Chính cho rằng muốn xét tuyển chung, lọc ảo chung, bộ phải có sự trao đổi với trường, có đề án rõ ràng gửi các trường góp ý, có nghiệm thu, có thẩm định, khẳng định tính khả thi. Nếu các trường thấy tốt, phù hợp họ sẽ đăng ký sử dụng.
Phiền phức cho thí sinh
Theo tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, chủ trương lọc ảo chung của bộ không những không những vi phạm quyền tự chủ của các trường mà còn gây phiền phức và ảnh hưởng đến quyền được lựa chọn của thí sinh. Bởi nếu như trước đây các em có thể đỗ cùng lúc nhiều trường và lựa chọn trường mình mong muốn theo học nhất thì nay, với quy định theo dự thảo quy chế mới, thí sinh sẽ chỉ có cơ hội vào 1 trường duy nhất.
Trước quan điểm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lọc ảo sẽ giúp cho một thí sinh không thể giữ hai chỗ, ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh khác, ông Chính cho rằng bộ phải chứng minh được điều đó ảnh hưởng đến các thí sinh như thế nào với nghiên cứu, số liệu cụ thể, trên cơ sở căn cứ khoa học, chứ không chỉ là nhận định chủ quan.
Việc phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển ở các phương thức khác nhau lên cổng thông tin chung sẽ gây phiền hà cho thí sinh? (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+) |
Phải linh hoạt để đảm bảo quyền tự quyết của thí sinh cũng là quan điểm của ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Sơn, do các trường xét tuyển theo nhiều phương thức, theo nhiều đợt và ở nhiều thời điểm khác nhau nên trên thực tế, có nhiều trường công bố kết quả trúng tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển theo học bạ, theo điểm bài thi đánh giá năng lực, theo các chứng chỉ quốc tế từ rất sớm, chỉ cần thí sinh đạt yêu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông là có thể nhập học. Theo đó, sẽ rất nhiều em đã tham gia xét tuyển sớm sẽ không có nhu cầu tiếp tục đăng ký xét tuyển ở thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo mở cổng đăng ký xét tuyển đại học trực tuyến.
Tuy nhiên, theo dự thảo quy chế, thí sinh đã dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Nên bỏ quy định ở điểm này. Nếu các em đã trúng theo phương thức học bạ và chọn ngành học đã trúng theo cách này thì để các em tự xác nhận nhập học theo cách cũ như mọi năm, không nhất thiết phải đăng ký trên hệ thống của bộ,” ông Sơn nói.
Cùng quan điểm này, lãnh đạo một trường đại học cho hay các năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường xét tuyển sớm phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển lên hệ thống để lọc ảo chung với phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng nhiều trường không thực hiện, dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo cao. “Nhiều trường không thực hiện nên năm nay, bộ ‘đẩy’ yêu cầu cập nhật này sang cho các thí sinh. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này vừa gây phiền phức cho các em khi phải làm một việc mà không mang lại lợi ích gì cho mình đồng thời rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề phiền hà khác như bị lỗi, sai sót khi nhập dữ liệu,” vị này nói.
Phiền hà nhưng lợi ích không nhiều
Theo tiến sỹ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ thí sinh ảo trong xét tuyển đợt một theo hệ thống xét tuyển lọc ảo chung của bộ trong mùa tuyển sinh năm 2021 là trên 40%.
Dù tỷ lệ thí sinh ảo cao nhưng các trường vẫn tuyển sinh đạt tỷ lệ cao. (Nguồn số liệu: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Ông Tùng cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến thí sinh ảo, trong đó cơ bản có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là thí sinh đỗ nhiều trường trong nước nhưng chỉ chọn học một trường, khi đó có một trường sẽ có thí sinh thật, các trường còn lại là thí sinh ảo. Thứ hai là thí sinh đỗ nhưng chọn đi du học. Thứ ba là thí sinh đỗ nhưng không học trường nào mà có thể thi lại hoặc học nghề. Vì vậy, phương thức lọc ảo của bộ chỉ có ý nghĩa lọc ảo với trường hợp thứ nhất.
“Nếu thực hiện lọc ảo chung như cách của bộ, tỷ lệ thí sinh ảo có thể giảm khoảng trên 10%. Mức độ giảm có thể khá tốt so với tổng thể nhưng nếu tính riêng từng trường thì không nhiều và các trường vẫn phải tính toán các giải pháp để trừ hao lượng thí sinh này,” ông Tùng cho hay.
Hiệu trưởng Đại học FPT cũng cho rằng thí sinh ảo là điều tất yếu trong tuyển sinh, ngay cả với các đại học hàng đầu trên thế giới. Và vì là điều tất yếu nên các trường đều có kinh nghiệm để xử lý, cộng thêm việc có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm nên các trường có thể bù đắp bằng các đợt tuyển sinh tiếp theo.
Đây cũng là chia sẻ của tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Chính cho hay tình trạng thí sinh ảo là điều tất yếu của tuyển sinh nhưng các trường có thể tuyển sinh nhiều đợt nên không phải vì thí sinh ảo mà không tuyển sinh được.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Chính cho hay mặc dù tỷ lệ thí sinh ảo trong đợt xét tuyển chung của bộ năm 2021 là khoảng 40%, nhưng tỷ lệ thí sinh nhập học ở tất cả các phương thức là 96,85%. “Điều này cho thấy các trường vẫn tuyển sinh rất tốt. Bộ cũng tự đánh giá kết quả tuyển sinh cao hơn năm 2020, vậy vì sao phải thay đổi trong khi gây phiền hà hơn cho thí sinh và các trường, bộ cũng sẽ tự làm khó chính mình. Việc tuyển sinh, hãy để các trường tự chủ,” ông Chính nói.