Tuyển sinh vào lớp 10: Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra

[Ngày Nay] - Hơn 85.000 học sinh Hà Nội đã kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2019-2020. Đề thi được học sinh đánh giá là không quá khó. Kỳ thi kết thúc với sự hồ hởi, vui vẻ của các thí sinh, nhất là khi hai môn thi cuối cùng, môn Ngoại ngữ và Lịch sử, được cho là khá dễ, đa số các thí sinh đều làm tốt.
Học sinh thi vào lớp 10.
Học sinh thi vào lớp 10.

25% học sinh sẽ trượt trường công

Mặc dù đề thi không khó, nhiều thí sinh làm tốt, tuy nhiên, đây là kỳ thi cạnh tranh xét tuyển, nên chắc chắn sẽ có người đỗ, người bị trượt.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là hơn 85.000 em, trong khi số chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập của Hà Nội chỉ khoảng 62.000 học sinh. Nếu tính cả chỉ tiêu vào bốn trường trung học phổ thông chuyên, con số này khoảng trên 64.000 chỉ tiêu.

Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có trên 21.000 thí sinh bị trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Các học sinh này sẽ phải học trường công lập tự chủ tài chính, trường trung học phổ thông ngoài công lập với mức học phí cao hơn, hoặc theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường nghề.

“Học trường tự chủ tài chính hay trường ngoài công lập thì gia đình không đủ tài chính, trung tâm giáo dục thường xuyên thì môi trường không tốt, các trường nghề thì không phụ huynh nào mong muốn vì con mới chỉ học hết lớp 9”, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.

Tuy nhiên, do con làm không tốt bài thi môn Toán trong Kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, nên theo chị Hạnh, gia đình cũng đang tính đến tình huống xấu nhất là con không đỗ trường công, sẽ phải tính tiếp thế nào.

Áp lực càng cao hơn với học sinh. Kết thúc buổi thi môn Toán, không ít thí sinh đã khóc nức nở khi bước ra khỏi trường thi vì làm bài không tốt. “Em có quen một anh bị trượt lớp 10, anh nói khi mình trượt, bố mẹ và bạn bè sẽ nhìn mình bằng một con mắt khác, nên em rất lo,” một thí sinh buồn rầu nói.

Cha mẹ hãy đồng hành cùng con

Nhìn cô con gái nhỏ mắt đỏ hoe, nét mặt căng thẳng sau buổi thi môn Toán, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh hiểu rằng, mình phải làm chỗ dựa tinh thần cho con, dù trong lòng chị thực sự rất buồn. “Tôi phải cố gắng tỏ ra bình tĩnh và vui vẻ, động viên con lấy lại tinh thần, gỡ điểm ở hai môn còn lại, và nếu kết quả thi không tốt thì con cũng còn rất nhiều lựa chọn cho tương lai”, chị Hạnh kể.

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Nội, trong bất cứ kỳ thi nào, đặc biệt là các kỳ thi có tính cạnh tranh cao như tuyển sinh vào lớp 10 và thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học, cha mẹ phải là người đồng hành, động viên con. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp, học sinh sau khi thi trượt, vì quá căng thẳng và mệt mỏi, đã có những hành động tiêu cực làm hại đến bản thân.

Hiểu được những áp lực của thí sinh và phụ huynh, ngay từ cuối tháng 4, trường Lê Quý Đôn đã tổ chức họp phụ huynh toàn khối 9. Cuộc họp không chỉ thông báo tình hình học tập của học sinh, mà quan trọng hơn, là dịp để các thầy cô giáo làm công tác tư tưởng cho phụ huynh.

“Chúng tôi hiểu cha mẹ nào cũng kỳ vọng ở con, nhưng cha mẹ phải hiểu sức con mình đến đâu và chấp nhận điều đó. Nếu con thi trượt, con sẽ là người chịu tâm lý nặng nề nhất, buồn và thất vọng về bản thân nhất. Khi đó, nếu cha mẹ không ở bên động viên, giúp con cố gắng, thì sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi muốn phụ huynh hiểu rằng, vào trường công không phải là con đường duy nhất. Các em vẫn có rất nhiều lựa chọn, có thể học trường tư, thậm chí hoàn toàn có thể vừa học nghề vừa học văn hóa ở các trường trung cấp. Cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra,” thầy Bình chia sẻ.

 “Có rất nhiều cánh cổng trường rộng mở, không đỗ trường công thì học trường tư, không có cơ hội này thì có cơ hội khác, điều quan trọng là con phải bước tiếp” cũng là lời động viên, nhắn nhủ của chị Chu Thị Xuân Hường với cậu con trai Nguyễn Việt Anh, Trường Trung học cơ sở Tân Định (quận Hoàng Mai) trước kỳ thi quan trọng nhất sau 9 năm đèn sách.

Chị Hà Thị Kim (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) cho biết, chị thậm chí chuẩn bị sẵn tư tưởng cho con phải đón nhận cả tình huống xấu nhất là không thể vượt qua cánh cửa trường công. “Bố mẹ nào cũng mong con thi đỗ vào trường tốt, nhưng mình áp lực quá sẽ khiến con bị căng thẳng, stress, thậm chí nhiều trường hợp còn dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Vì thế, tôi vẫn động viên con mình bình tĩnh, làm bài hết sức của mình, đạt được kết quả đến đâu thì vui đến đấy. Nếu chẳng may không đỗ thì gia đình sẽ cùng con tìm hướng đi mới”, chị Kim nói.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.