Phát biểu tại hội thảo dân số ngày 6-7/9, tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng Dân số Việt Nam cảnh báo mức sinh hiện rất thấp của TP HCM. Có thời điểm mức sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố xuống chỉ còn 1,4 hoặc nhích nhẹ 1,45-1,5 con. Trong khi đó tỷ lệ sinh thay thế cần thiết của TP HCM là 2,1.
"Mức sinh thấp gây nhiều tác động, không đảm bảo phát triển kinh tế xã hội trong tương lai", ông Nhạc phân tích. Mức sinh thấp còn tác động đến cân bằng giới tính. Nếu sinh một con đa số các cặp vợ chồng thường ưu tiên con trai với bé đầu lòng. Mức sinh thấp còn ảnh hưởng đến tốc độ già hóa dân số do tỷ lệ người già ngày càng nhiều trong khi trẻ em ngày càng ít. Các nước giàu mất vài thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ để chuyển từ già hóa dân số sang thời kỳ dân số già, còn Việt Nam chỉ trong hơn 20 năm.
Việt Nam đang thời kỳ dân số vàng với độ tuổi lao động rất cao, nhưng khoảng hơn chục năm nữa lớp trẻ già đi thì nguy cơ cơ cấu dân số mất cân bằng. Nếu ngày nay bố mẹ chỉ sinh một con, trong tương lai đứa trẻ này lớn lên phải "cõng trên vai" cả bố mẹ, ông bà; một người phải nuôi hai hoặc thậm chí bốn người. Theo đó cơ cấu dân số vàng sẽ thu hẹp lại.
Thống kê cho thấy, Việt Nam đang ở mức sinh thay thế với tổng tỷ suất sinh 2,1 con. TP HCM là địa phương có mức sinh thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng trung bình và chênh lệch lớn so với các tỉnh phía Bắc. Hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc có mức sinh cao nhất từ 2,5 con trên một phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỉnh cao nhất là Lai Châu với 3,11 con. Các tỉnh phía Nam tại Đông Nam Bộ tỷ lệ sinh 1,56 con ở một phụ nữ tuổi sinh sản.