Kỳ trước: Bí mật về cuộc đời thực của Bao Công [Kỳ 1]
Uẩn khúc mang tên '13 ngày'
Năm 1062, Bao Công lâm bệnh mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi, điều đáng nói ở đây, là thời gian từ lúc lâm bệnh cho đến khi mất chỉ có 13 ngày, nên người ta vẫn cho rằng ông mất một phần do thuốc của Hoàng đế ban cho (do ngự y dâng).
Chính điều này đã gây ra nhiều tranh luận, nghi vấn nhiều đời qua. Rất có thể, do lúc sinh thời Bao Công từng xử những vụ án vạch mặt bọn thái y, nên bị bọn chúng căm ghét (từ lúc uống thuốc đến khi phát bệnh mất chỉ là 9 ngày).
Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lại bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu "Hiếu Túc", có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cửu ông về mai táng ở quê nhà ông.
Tượng Bao Công. Ảnh: Wikipedia |
Giải mã cái chết đầy uẩn khúc của Bao Công
Các nhà khoa học thuộc Phòng Nghiên cứu năng lượng vật lý cao, Học viện Khoa học Trung Quốc phối hợp với Viện Bảo tàng tỉnh An Huy tiến hành xét nghiệm những mảnh xương của Bao Công bằng phương pháp Đồng bộ bức xạ với máy Electron Positron Collider.
Kết quả cho thấy, hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại, trong khi đó hàm lượng chì và asen (thạch tín) lại thấp hơn người thường.
Về vấn đề hàm lượng thủy ngân cao trong xương Bao Công, có hai khả năng: Một là khi an táng Bao Công, người ta đã cho vào quan tài nhiều chu sa để ướp giữ thi thể, do chu sa xâm thực vào xương dẫn đến hàm lượng thủy ngân tăng cao. Hai là, rất có thể lúc sinh tiền, Bao Công đã từng uống thuốc hay ăn loại thực phẩm có chứa thủy ngân với hàm lượng nhỏ khiến ngộ độc mãn tính.
Bao Công ngoài đời vốn là 1 vị quan thanh liêm, chính trực (Chú thích ảnh: Hình ảnh Bao Công trên phim ảnh do nam diễn viên Kim Siêu Quần thủ vai) |
GS. Trình Như Phong, chuyên gia văn sử, phó hội trưởng Hội Nghiên cứu Bao Công TP. Hợp Phì (Trung Quốc) cho biết, qua kết quả xét nghiệm có thể kết luận Bao Công không phải chết vì trúng độc do uống "thuốc tốt" của vua Tống. Rất có thể Bao Công bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ nên mới phát bệnh và chết nhanh như vậy.
Do đó, khả năng vua ban độc dược cho Bao Công là rất khó xảy ra.
Khu mộ của Bao Công ngày nay
Hiện nay, khu mộ táng Bao Công nằm ở Đại Hưng Tập, ngoại ô phía đông TP. Hợp Phì, tỉnh An Huy. Trên mộ chí có ghi về tình trạng qua đời của Bao Công: "Năm Gia Hựu thứ 7, tháng 5, ngày Kỷ Mùi (tức ngày12/5/1062) ra làm việc, phát bệnh nên quay về. Hoàng thượng sai sứ ban cho thuốc tốt, đến ngày Tân Mùi (tức ngày 24/5/1062) thì không dậy được nữa".
Khu mộ của Bao Công nằm ở Đại Hưng Tập, ngoại ô phía đông TP. Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia |
Đền thờ của ông có hai câu liễn: "Lý Oan Ngục, Quan Tiết Bất Thông, Tự Thị Diệm La Khí Tượng. Chẩn Tai Lê, Từ Thiện Vô Lương, Y Nhiên Bồ Tát Tâm Trường". Ý nói về phẩm chất cao quý của ông...
Trang Ly (T/h)
Xem thêm:
- Bí mật về cuộc đời thực của Bao Công [Kỳ 1]
- Những giai thoại ly kỳ về Quan Vân Trường (Kỳ 2)