Thực tế này đem lại hy vọng chấm dứt giao tranh kéo dài hàng tháng qua đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và tàn phá trung tâm công nghiệp của Ukraina.
Các thành viên của tiểu đoàn tự vệ 'Donbass' tuyên thệ để chính thức sáp nhập vào tiểu đoàn dự bị của quân Vệ binh Quốc gia Ukraina tại địa điểm gần Kiev, ngày 23/6/2014. Ảnh: Reuters |
Các cuộc thảo luận giữa đôi bên ở Ukraina được tiến hành theo hướng của kế hoạch hòa bình do Tổng thống Poroshenko đặt ra. Tuyên bố ngừng bắn được đưa ra sau khi Tổng thống Nga và Mỹ trao đổi các yêu cầu xung quanh cuộc xung đột ở Ukraina. Tổng thống Nga Vladimir Putin hối thúc đối thoại trực tiếp giữa chính phủ Kiev và phe nổi dậy ở miền đông. Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng Moscow sẽ bị thiệt hại nặng hơn nếu như không giúp tháo gỡ khủng hoảng Ukraina.
Một trong các lãnh đạo của phe đối lập tham gia đàm phán là Alexdander Borodai tuyên bố tôn trọng lệnh ngừng bắn của ông Poroshenko, bắt đầu từ ngày thứ Sáu và kéo dài tới hết 7h sáng ngày thứ Sáu này (giờ GMT).
Trước đó, phe nổi dậy kêu gọi quân đội Ukraina rút khỏi miền đông như là yêu cầu để đàm phán, do đó tuyên bố của ông Borodai cũng thể hiện lập trường mềm mỏng hơn khiến nhiều người kỳ vọng là có thể duy trì được lệnh ngừng bắn.
Ngay cả khi phe nổi dậy chưa đưa ra lời hứa, chính quyền Kiev tuyên bố rằng sáng ngày hôm qua không hề có đụng độ ở miền đông.
“Đây sẽ là một trong các biện pháp giúp làm cho đôi bên hiểu rõ về nhau hơn” – ông Alexei Karyakin – một đại diện của phe nổi dậy ở tỉnh Lugansk nói.
Còn tại Moscow, điện Kremlin cho biết ông Putin nhấn mạnh vào cuộc trao đổi giữa ông và ông Obama để bình thường hóa tình hình ở miền đông Ukraina, và việc cần thiết để ‘chấm dứt triệt để giao tranh và bắt đầu đối thoại trực tiếp giữa các bên xung đột’.