Đây là sự kiện tiếp nối cuộc đối thoại chính sách trong khuôn khổ hội thảo quốc tế do Bộ Ngoại giao và UNDP đồng tổ chức tháng 7 vừa qua về những tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Mette Moglestue cho biết, Na Uy đánh giá cao hoạt động của UNDP và các đối tác nhằm nâng cao hiểu biết về sự phụ thuộc lẫn nhau và mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người. “Môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là nền tảng của cuộc sống, bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để các thế hệ hôm nay, mai sau thụ hưởng quyền con người”, bà Mette Moglestue nói.
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy, UNDP thực hiện và ra mắt báo cáo nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người và làm thế nào để giải quyết các tác động này. Nghiên cứu cũng đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về các tác động của quyền con người, cùng với vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan dựa trên các công cụ quy phạm của Liên hợp quốc về quyền con người và biến đổi khí hậu.
UNDP khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách và chính quyền các cấp cần đảm bảo rằng các chính sách và biện pháp thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, bao gồm cả chuyển đổi năng lượng công bằng, được thực hiện hiệu quả dựa trên quyền con người, đặt người dân làm trung tâm...
Phát biểu tại buổi thảo luận, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi đã đưa ra ba nhận định và khuyến nghị về cách tiếp cận bao trùm nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo bà Ramla Khalidi, UNDP cam kết hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam đảm bảo việc lập kế hoạch thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn của quyền con người. UNDP ủng hộ cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tiến tới đạt được mục tiêu đó một cách bao trùm, không bỏ lại ai phía sau.