Trung bình, nhiệt độ nước biển đã tăng 1,45°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thậm chí, tại một số khu vực như Địa Trung Hải, Đại Tây Dương nhiệt đới và Nam Đại Dương, mức tăng có thể vượt quá 2°C.
Nguyên nhân chính là do đại dương hấp thụ tới 90% lượng nhiệt dư thừa thải ra từ các hoạt động của con người. Khi nhiệt độ tăng, băng tan, nước biển nở ra, dẫn đến hiện tượng mực nước biển dâng cao.
Kể từ những năm 1960, lượng oxy trong đại dương đã giảm 2% do nhiệt độ ấm lên và các chất ô nhiễm như nước thải và chất thải nông nghiệp. Hậu quả nghiêm trọng nhất là sự xuất hiện của "vùng chết", nơi nồng độ oxy thấp đến mức không thể duy trì sự sống biển. Hiện nay, đã có 500 "vùng chết" được xác định, chủ yếu tập trung ở các khu vực ven biển, nơi các sinh vật biển phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bên cạnh đó, đại dương cũng đang phải đối mặt với vấn đề axit hóa do hấp thụ 25-30% lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch. Lượng CO2 dư thừa này đang làm thay đổi thành phần hóa học của đại dương, khiến độ axit tăng 30% so với thời kỳ tiền công nghiệp và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 170% vào năm 2100.
Đại dương cũng đang phải đối mặt với vấn đề axit hóa. Ảnh: Báo Tổ Quốc |
Tình trạng axit hóa ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các sinh vật ven biển. Do phải chịu biến động mạnh mẽ hơn so với vùng biển khơi, các sinh vật ven biển thường không thể thích nghi với sự thay đổi độ axit đột ngột, dẫn đến suy yếu và chết hàng loạt.
Rừng biển, bao gồm rừng ngập mặn, đồng cỏ biển và đầm lầy thủy triều, có khả năng hấp thụ CO2 gấp 5 lần so với rừng trên đất liền. Chúng không chỉ là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật biển mà còn là lá chắn bảo vệ hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng gần 60% các quốc gia vẫn chưa có kế hoạch phục hồi và bảo tồn rừng biển.
Khu bảo tồn biển đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ đa dạng sinh học đại dương. 72% trong số 1.500 loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ được tìm thấy trong các Khu bảo tồn biển.
Thập kỷ Khoa học Đại dương vì Phát triển Bền vững (2021-2030) do UNESCO dẫn đầu là một nỗ lực quốc tế nhằm cải thiện kiến thức và bảo vệ đại dương. Hơn 500 dự án đã được triển khai trên toàn thế giới và hơn 1 tỷ USD đã được huy động để thực hiện mục tiêu này. UNESCO cũng đang hỗ trợ các chương trình hợp tác khoa học, chia sẻ dữ liệu, lập bản đồ đáy biển, phòng chống thiên tai và tìm kiếm giải pháp bảo vệ hệ sinh thái đại dương.
Với hơn 230 khu dự trữ sinh quyển biển và 50 địa điểm biển được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới, UNESCO đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các khu vực đại dương độc đáo và đa dạng sinh học quý giá.