Phương pháp sư phạm tổng hợp, hay giảng dạy kết hợp, là phương pháp giáo dục tiên tiến, mang đến trải nghiệm học tập hiệu quả và linh hoạt cho học sinh trong thời đại công nghệ số. Phương pháp này kết hợp hài hòa giữa lớp học trực tiếp với các ứng dụng học tập kỹ thuật số, tạo nên môi trường học tập đa dạng, kích thích hứng thú học tập.
297 giáo viên Afghanistan đã được UNESCO cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển đào tạo về phương pháp sư phạm kết hợp vào tháng 11/2023.
Cô Anwari, một giáo viên ở thành phố Kabul (Afghanistan) chia sẻ: "Ban đầu, khi tham gia khóa đào tạo, tôi hoàn toàn không hiểu phương pháp sư phạm kết hợp là gì. Tuy nhiên, nó lại khơi gợi sự tò mò và hứng thú trong tôi, khiến tôi khao khát khám phá và tìm hiểu thêm". Sau khóa học, nhận thức của cô về phương pháp này đã có sự thay đổi đáng kể.
Khi hoàn thành khóa đào tạo, cô Anwari đã áp dụng những kiến thức thu nạp được vào tiết học bài thơ "Nee Nameh" của tác giả Rumi.
Trước khi đến lớp, cô sử dụng ứng dụng WhatsApp để chia sẻ với học sinh các video và âm thanh liên quan đến bài thơ. Nhờ vậy, học sinh có thể làm quen với tài liệu giảng dạy, chuẩn bị tốt hơn cho bài học.
Trong giờ học trực tiếp, cô Anwari tập trung vào việc phân tích, thảo luận nội dung. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó, học sinh có thể tham gia vào các hoạt động học tập một cách tích cực và hiệu quả hơn.
Học sinh có thể tham gia vào các hoạt động học tập tích cực hơn. Ảnh: Majid Saeedi/Getty Images |
Với phương pháp giảng dạy kết hợp này, cô Anwari đã tối đa hóa hiệu quả của thời gian học kéo dài một giờ, giúp học sinh hiểu sâu hơn về bài thơ và phát triển các kỹ năng tư duy phản biện, thảo luận và hợp tác.
Cô cũng cho biết thêm, ban đầu lớp học khá do dự khi tham gia nhóm WhatsApp vì đây là phương pháp mới. Tuy nhiên, khi nhận ra lợi ích của việc có thêm kênh liên lạc và học hỏi với giáo viên, các em đã nhanh chóng tiếp cận và sử dụng. Do đó, việc học ngoại tuyến của học sinh cũng được cải thiện đáng kể.
Nhiều thách thức trong giáo dục vẫn tồn tại
Mặc dù phương pháp sư phạm kết hợp mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên và học sinh, nhưng việc áp dụng hoàn toàn phương pháp này ở Afghanistan vẫn còn gặp rào cản. Nhiều giáo viên và học sinh không có kết nối Internet tốt, điện thoại thông minh hoặc máy tính. Trong lớp, giáo viên có thể chia các em thành nhóm để sử dụng chung thiết bị, nhưng ở nhà, việc có được thiết bị để truy cập tài liệu trực tuyến là một thách thức lớn.
Nhiều giáo viên và học sinh không có kết nối Internet tốt hoặc thiết bị thông minh. Ảnh: The Silk Road |
Một số giải pháp được đề xuất bao gồm: tổ chức đào tạo và hội thảo thường xuyên; cung cấp thiết bị, kết nối Internet giá rẻ cho học sinh; phát triển tài liệu học tập phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Nhân Ngày Quốc tế Học tập Kỹ thuật số đầu tiên vào ngày 19/3/2024, UNESCO tái khẳng định cam kết thúc đẩy và sử dụng công nghệ giáo dục để nhiều trẻ em và thanh thiếu niên Afghanistan có thể tiếp cận các dịch vụ giáo dục chất lượng.