Thông qua việc trao Giải thưởng này, Ủy ban Nobel đã tuyên bố một cách hùng hồn rằng tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin chính là nền tảng của dân chủ và hòa bình. Những lý tưởng này hoàn toàn phản ánh nhiệm vụ, sứ mệnh của UNESCO. Các nhà báo của chúng ta luôn ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh đưa sự thật ra ánh sáng, bất chấp mọi rủi ro nhắm vào bản thân. Ngày nay, họ đích thực chính là người bảo vệ công lý và sự thật.
Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO
Tổng Giám đốc đặc biệt khen ngợi nữ nhà báo Maria Ressa, người đã tham gia tích cực vào các nỗ lực của Tổ chức nhằm ngăn chặn hành vi quấy rối trực tuyến nhắm vào các nhà báo nữ, mà nghiên cứu của UNESCO cho thấy đã có ảnh hưởng đến gần ba phần tư số nhà báo nữ trên toàn thế giới.
Vào tháng 5 năm nay, bà Ressa đã được trao Giải Guillermo Cano cho Tự do Báo chí Thế giới của UNESCO, để ghi nhận đóng góp xuất sắc của mình trong việc bảo vệ tự do báo chí. Lên nhận giải thưởng trực tiếp trong Hội nghị Ngày Tự do Báo chí Thế giới do UNESCO tổ chức ở Windhoek, Namibia, vào tháng 5/2021, Maria Ressa đã đặc biệt tố cáo hành vi quấy rối trực tuyến có sắp xếp và sự thiếu phản ứng hiệu quả từ các công ty truyền thông xã hội.
Maria Ressa cũng từng tham gia một số phiên Hội nghị Tự do Báo chí Thế giới trước đây, cũng như hội nghị gần đây do UNESCO, Chương trình Lương thực Thế giới và Đại học Nam Carolina phối hợp tổ chức vào ngày 24/9/2021.