Năm 2021 đánh dấu sự khởi đầu của chương trình Thập kỷ đại dương do UNESCO dẫn dắt, và chỉ sau ba năm, hơn 500 dự án đã được triển khai trên khắp thế giới. Mục tiêu chung của các dự án này là nâng cao nhận thức và bảo vệ đại dương, vốn đóng vai trò thiết yếu cho sự sống trên Trái Đất.
Từ ngày 10 đến 12/4/2024, UNESCO và Tây Ban Nha đồng tổ chức Hội nghị Thập kỷ Đại dương 2024 tại thành phố Barcelona. Đây được xem là một trong những sự kiện tập trung cộng đồng đại dương toàn cầu lớn nhất trong năm nay, thu hút hơn 1500 người tham dự.
Hội nghị quy tụ các nguyên thủ quốc gia, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các đối tác khu vực tư nhân. Mục tiêu chính là đánh giá tiến độ của dự án Thập kỷ khoa học đại dương vì phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (2021-2030), đồng thời công bố những thông tin mới nhất về khả năng dự đoán và ứng phó với các vấn đề liên quan đến đại dương.
Sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng lộ trình cho đại dương quốc tế trong năm năm tới. Chương trình tập trung vào thách thức và cơ hội then chốt: biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học biển; mối nguy hiểm tự nhiên; ô nhiễm đại dương; dinh dưỡng và an ninh lương thực; phát triển kinh tế xanh bền vững.
Sáng kiến mới kết nối các thành phố và cảng ven biển
UNESCO khởi xướng sáng kiến Thành phố bên đại dương với mục tiêu huy động sự tham gia của các thành phố và cảng biển ven biển trong nỗ lực bảo vệ đại dương. Sáng kiến này đánh dấu sự hợp tác mới giữa UNESCO và 13 thành phố tiên phong.
Hội nghị chuyên đề về các thành phố ven biển quốc tế đầu tiên sẽ được tổ chức tại Thanh Đảo (Trung Quốc) vào năm 2025. Đây là sự kiện quan trọng nhằm tập hợp mạng lưới Thành phố bên đại dương mới được thành lập, nhằm thúc đẩy hành động và hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức đại dương.
Nâng cao hiểu biết, giáo dục và bảo vệ đại dương
UNESCO đã hợp tác với Tổ chức Thủy văn Quốc tế để lập bản đồ 25% đáy đại dương ở độ phân giải cao. Con số này tăng gấp nhiều lần so với chỉ 6% vào năm 2017. Nhờ vậy, các nhà khoa học có thể nghiên cứu chi tiết hơn về địa hình đại dương, xác định các khu vực quan trọng về đa dạng sinh học và theo dõi tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, UNESCO còn thành lập Hệ thống thông tin đa dạng sinh học đại dương. Hệ thống này đã tổng hợp 126 triệu quan sát trên hơn 180000 loài, cung cấp cho các nhà khoa học, nhà quản lý tài nguyên biển nguồn dữ liệu quý giá để nghiên cứu, bảo tồn và quản lý các loài sinh vật biển.