UNESCO và Liên minh Châu Phi đã công bố một báo cáo mới mang tên “Giáo dục ở Châu Phi - Đặt công bằng vào trọng tâm của chính sách”. Theo đó, mặc dù nhiều quốc gia ở châu Phi cận Sahara đang thực hiện các bước quan trọng để tạo nên một nền giáo dục có chất lượng, nhưng khu vực này vẫn đang giữ tỷ lệ thất học lớn nhất thế giới.
Một phần năm trẻ em trong độ tuổi tiểu học và hơn một nửa số thanh thiếu niên trong độ tuổi trung học phổ thông không được đến trường. Tại một nửa số nước châu Phi, tỷ lệ thất học ở độ tuổi tiểu học ở mức dưới 10%, và ở độ tuổi trung học phổ thông là trên 50%. Tỷ lệ này vẫn tiếp tục gia tăng ở một số quốc gia.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết: “Sự chênh lệch lớn trong hệ thống giáo dục châu Phi đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách. Chúng ta cần cung cấp cho tất cả trẻ em châu Phi một môi trường an toàn, lành mạnh để các em có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Chuyển đổi giáo dục phải là trọng tâm trong nỗ lực của các quốc gia nhằm xây dựng sự phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững.”
Trẻ em châu Phi gặp bất lợi do nhiều yếu tố
Theo báo cáo khảo sát tình hình giáo dục ở châu Phi,các yếu tố hạn chế trẻ em tiếp cận giảng dạy chất lượng gồm: vị trí địa lý, nghèo đói, giới tính, khuyết tật, khủng hoảng, xung đột và di dời. Khoảng 80% trẻ em ở châu Phi cận Sahara không được dạy bằng tiếng mẹ đẻ, điều này cản trở đáng kể đến kết quả học tập của các em.
Điều kiện học tập thiếu thốn tại một trường học ở châu Phi |
Hệ thống giáo dục vốn đã mong manh lại càng trở nên lỏng lẻo hơn bởi COVID-19
Các hệ thống giáo dục châu Phi đã chịu ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19. Ngay cả trước đó, chỉ một số ít quốc gia ở Châu Phi đủ đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về giáo dục.
Cần tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống giáo dục trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai, bằng cách phát triển hình thức giảng dạy linh hoạt, nhân rộng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và cải thiện việc thu thập dữ liệu.
Báo cáo cũng đề xuất một loạt các khuyến nghị để giải quyết các rào cản hòa nhập, chẳng hạn như giáo dục trung học bắt buộc, xây dựng thêm trường học, phát triển chương trình giảng dạy phù hợp, nâng cao chất lượng giáo viên và cung cấp hỗ trợ tài chính cho trẻ em.
Ấn phẩm chung đầu tiên này được xây dựng dựa trên một nghiên cứu do Viện Lập kế hoạch Giáo dục Quốc tế của UNESCO thực hiện nhằm xem xét những tiến bộ mà các quốc gia châu Phi đã đạt được để hướng tới các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Giáo dục Lục địa cho Châu Phi 2016-2025 và Các Mục tiêu Phát triển bền vững./.