Trong tài liệu lập trường đưa ra công bố ngày 21/5, UNESCO và Ngân hàng Thế giới đưa ra Khung hành động "Thành phố, Văn hóa và Sáng tạo" nhằm tạo điều kiện cho các hệ sinh thái bền vững, trong đó các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo có thể phát huy hết tiềm năng của mình để đóng góp vào kinh tế tăng trưởng, sự sống động của đô thị, hòa nhập xã hội và đổi mới.
Nền kinh tế sáng tạo là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của kinh tế thế giới. Kinh tế sáng tạo có thể tạo ra thu nhập, việc làm và mang lại doanh thu xuất khẩu. Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đóng góp doanh thu toàn cầu hàng năm là 2.250 tỷ đô la Mỹ và xuất khẩu trên 250 tỷ đô la Mỹ, đồng thời cung cấp gần 30 triệu việc làm trên toàn thế giới và sử dụng nhiều người từ 15 đến 29 tuổi hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Vào thời điểm lĩnh vực văn hóa bị tàn phá toàn cầu bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tiềm năng chưa được khai thác để giúp các thành phố trên thế giới phục hồi và có được khả năng phục hồi.
"Thành phố, Văn hóa và Sáng tạo" dựa trên nghiên cứu toàn cầu và bài học kinh nghiệm từ chín thành phố khác nhau ở nhiều khu vực, từ Brazzaville, Madaba đến Seoul. Những thành phố này hợp tác với Ngân hàng Thế giới và UNESCO, đã khai thác khả năng sáng tạo, và đạt được những kết quả kinh tế xã hội tích cực. Các nguyên tắc và khuyến nghị hướng dẫn được đưa ra cùng với các ví dụ cụ thể về những chính sách, chương trình đầu tư ngắn hạn và dài hạn mà các thành phố có thể thực hiện để phục hồi sau đại dịch, từ đó tạo ra một môi trường lâu dài, thuận lợi cho việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Khung hành động dự kiến sẽ được thực hiện thông qua một loạt các dự án thí điểm chung giữa UNESCO và Ngân hàng Thế giới ở các khu vực khác nhau. "Thành phố, Văn hóa và Sáng tạo" đã được đưa ra tại sự kiện cấp cao về Văn hóa và Phát triển bền vững ngày 21/5/2021 do Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc phối hợp với UNESCO tổ chức.