JAMJA - công ty khởi nghiệp về công nghệ với dịch vụ trọng tâm là đặt chỗ giảm giá theo giờ - mới đây đã công bố thông tin về vòng gọi vốn bridge round với tổng số tiền đầu tư lên tới 1 triệu USD.
Năm 2017, JAMJA đã gọi vốn thành công từ ESP Capital. Sau đó, vào tháng 4/2018, JAMJA tiếp tục gọi thành công từ MOCA Ventures, Framgia, VSP, Bon Angles và KBInvest với tổng số tiền 850.000 USD.
Ở vòng gọi vốn này, Bon Angles tiếp tục đồng hành với JAMJA, bên cạnh một cái tên mới là quỹ CyberAgent Capital (được đổi tên từ CyberAgent Ventures).
BonAngels có tiền thân là một nhóm các nhà đầu tư thiên thần được đồng sáng lập bởi ông BG Chang, Simon Kang và Inae Song vào năm 2006. Năm 2010, quỹ này chính thức được thành lập và nhanh chóng trở thành quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu trong vòng gọi vốn ươm mầm tại Hàn Quốc.
CyberAgent Capital (mới đổi tên từ CyberAgent Ventures) là quỹ đầu tư mạo hiểm Nhật Bản, tập trung vào việc đầu tư và hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp có liên quan đến Internet với đội ngũ sáng lập giàu tiềm năng. Không chỉ cấp vốn cho doanh nghiệp, CyberAgent Capital còn hỗ trợ quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ cũng như tư vấn chuyên môn cho các hoạt động khác của công ty, nhờ đội ngũ giàu kinh nghiệm.
Ông Lê Hùng Việt, CEO của JAMJA, cho hay: “Khoản vốn này sẽ giúp JAMJA giữ đà tăng trưởng nhanh trong thời gian vừa qua để chuẩn bị sẵn sàng cho vòng gọi vốn Series A chính thức sắp tới”.
Ông Lê Hùng Việt, CEO của JAMJA |
Với dịch vụ trọng tâm là “Đặt chỗ giảm giá theo giờ”, JAMJA đã mang đến một giải pháp thông minh, linh hoạt cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Theo đó, trên trang của JAMJA, khách hàng có thể tìm thấy các mức ưu đãi giảm giá sâu hơn so với thị trường ở một số khung giờ đặc biệt trong ngày.
Đổi lại, nhà hàng có thể tự tin kiểm soát số khách, giảm số lượng bàn trống trong các khung giờ thấp điểm, đặt ra mức giảm giá phù hợp thông qua các ưu đãi flashsale chớp nhoáng, thậm chí, thay đổi mức ưu đãi từng giờ, từng phút.
Ngoài ra, hệ thống của JAMJA còn lưu trữ dữ liệu khách hàng và có thể tích hợp trực tiếp vào hệ thống thanh toán để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện đơn hàng. Không ngạc nhiên khi hàng loạt chuỗi nhà hàng lớn nhỏ tại Việt Nam đều đang tin tưởng cộng tác với JAMJA như một kênh thúc đẩy ưu đãi và tối ưu doanh số.
Một số cái tên có thể kể đến như: Golden Gate Group (sở hữu các thương hiệu Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Hutong - Hot Pot Paradise, Daruma…), Redsun-ITI (sở hữu các thương hiệu King BBQ, Hotpot Story, Buk Buk…), AFG (sở hữu các thương hiệu Al Fresco's, Pepperonis) ...
Chia sẻ lý do đầu tư vào JAMJA, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Capital cho biết: "Với mục tiêu tận dụng tài nguyên nhàn rỗi một cách hiệu quả, kinh tế chia sẻ (sharing economy) đang trở thành một xu thế tất yếu của môi trường kinh doanh toàn cầu. JAMJA đã thuyết phục chúng tôi nhờ mô hình sáng tạo và cùng theo đuổi triết lý nói trên, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, làm đẹp… tối ưu hóa khung giờ hoạt động, đặc biệt là khung giờ thấp điểm, từ đó, đem lại giá trị cho khách hàng và cho cả cộng đồng".
Không dừng lại ở lĩnh vực F&B, JAMJA đang tiếp tục mở rộng dịch vụ của mình ở các lĩnh vực mới, như làm đẹp (tại các tiệm spa, làm móng hoặc salon tóc), giải trí (đặt vé xem phim tại hệ thống rạp BHD), thậm chí là vận chuyển miễn phí đồ ăn uống với giá giảm sâu nhất thông qua hợp tác với Lalamove.
Bằng việc mở rộng dịch vụ và bắt kịp xu hướng, JAMJA đang trở thành một ứng dụng thân thuộc của thế hệ Z (những người trẻ sinh từ khoảng 1995 trở lại đây – trưởng thành trong bầu khí quyển công nghệ và tham gia tích cực vào thương mại điện tử).
Hợp tác với hơn 3.000 cửa hàng, sở hữu khoảng 1,5 triệu người dùng tích cực mỗi tháng và hơn 500.000 lượt khách đến cửa hàng thông qua nền tảng, cùng hàng triệu lượt bình luận sôi nổi, JAMJA đang được đánh giá là nền tảng đặt chỗ giảm giá dẫn đầu thị trường hiện nay.
Chia sẻ về tầm nhìn phát triển, CEO của JAMJA cho biết: Công ty có kế hoạch triển khai ứng dụng tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam, bên cạnh Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng; đồng thời phát triển sản phẩm chuyên sâu, tích hợp sâu vào hoạt động kinh doanh của đối tác.