Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trở thành "tất yếu"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Việc nông dân đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ không còn là "lựa chọn" mà trở thành "tất yếu" để phát triển một nền nông nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường. Thành phố Hải Phòng đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan tích cực hơn nữa trong phối hợp vận động nông dân đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trở thành "tất yếu"

Tái cấu trúc nông nghiệp

Theo kết quả thống kê đất đai năm 2020, Hải Phòng có tổng diện tích đất tự nhiên 152.652 ha; đất trồng lúa chiếm 26,94%; đất trồng cây lâu năm chiếm 3,66%; đất rừng phòng hộ chiếm 6,44%; đất rừng đặc dụng chiếm 5,22%; các loại đất nông nghiệp còn lại chiếm 10,65%. Về cơ bản các loại đất này phân bổ chủ yếu ở các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải, An Lão, các quận Dương Kinh, Hải An. Tính đến năm 2020, toàn thành phố có 20.340 ha đất sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa.

Tuy nhiên, tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Hải Phòng đạt bình quân 2,45%/năm trong 10 năm qua; trong đó, tăng trưởng cao nhất là dịch vụ nông nghiêp 8,12%/năm, tiếp sau là thủy sản (nuôi trồng và đánh bắt) là 5,86%/năm, nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) chỉ tăng 0,9%/năm... Những năm qua, Hải Phòng đã có sự chuyển biến khá rõ về phương diện tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông phẩm và có hiệu quả sản xuất.

Những kết quả trên cho thấy, vai trò của người nông dân trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng Trần Quang Tuấn cho biết, để đưa những thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo kịp thời vào hỗ trợ nông dân trong sản xuất, những năm qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cấp Hội Nông dân thành phố triển khai nhiều hoạt động, từng bước chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho nông dân và đạt được một số thành tựu nổi bật. Trong đó, phải kể đến việc triển khai 7 nhiệm vụ cấp nhà nước, cấp bộ; 40 nhiệm vụ cấp thành phố; 48 nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; 56 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở; 63 mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới; 12 loại giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo triển khai xây dựng nội dung, phát hành Bản tin Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới tới tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn với tần suất 1 tuần/số.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Sở cùng các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn, xây dựng người nông dân Hải Phòng có năng lực, trình độ và khát vọng vươn lên.

Công tác tuyên truyền được gắn với xây dựng mô hình và vận động hội viên, nông dân tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, bảo quản nông sản, thực phẩm; cung cấp thông tin thị trường; vận động hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, xúc tiến thương mại nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện sản xuất nông nghiệp; quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn; qua đó giúp các hộ nông dân ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, Sở triển khai các nội dung hỗ trợ giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao giá trị nông sản

Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (Hợp tác xã Thụy Hương), huyện Kiến Thụy là đơn vị tiên phong tại Hải Phòng trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hợp tác xã được thành lập mới từ năm 2017. Bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương và thành phố, Hợp tác xã Thụy Hương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương, gắn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng.

Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Hợp tác xã Thụy Hương chia sẻ, mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện vừa chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa rất riêng, hội tụ những nét đặc trưng của địa phương; vừa mang hơi thở của nhịp sống đương đại, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu xã hội.

Thành phố Hải Phòng có trên 1.250ha đất bãi bồi ven sông. Trước năm 2014, các khu vực này chủ yếu sử dụng để thu hoạch rươi; ngoài thời điểm thu hoạch rươi thì chỉ bỏ hoang, không canh tác. Nhận thấy vùng đất này có điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ, từ năm 2014, bà Hà cùng với các hội viên Hội Nông dân huyện Kiến Thụy canh tác thử 2 mẫu ruộng ở ven sông theo phương thức luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ rươi.

Kết quả, năng suất lúa đạt khá, sản phẩm được nhiều người sử dụng, thu nhập của các hội viên hội nông dân được cải thiện. Diện tích canh tác lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo quy định; sản xuất 500 tấn sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các quy định của Bộ Y tế. Sản phẩm gạo, rươi đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động, thu nhập từ 4.500.000 - 5.000.000 đồng/tháng, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp tại địa phương.

Hiện, hợp tác xã đã liên kết với hàng trăm hội viên hội nông dân trên địa bàn để tổ chức sản xuất gạo hữu cơ trên diện tích 300ha. Từ một sản phẩm OCOP ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã có 8 sản phẩm từ các giống lúa đặc sản, phù hợp với thổ nhưỡng vùng cửa biển, với chủng loại sản phẩm đa dạng, gồm: gạo nếp, gạo lứt, gạo xát dối... Các sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế, đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao của UBND thành phố Hải Phòng. Hàng năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường trong và ngoài thành phố trên 500 tấn/năm, với doanh thu 18,48 tỷ đồng.

Sản phẩm OCOP mang thương hiệu "Gạo ruộng rươi" đang được nhân rộng không chỉ trong Hải Phòng, còn phát triển ra nhiều tỉnh, thành phố khác trong nước. Sản phẩm "Gạo ruộng rươi" hiện nay đã có mặt trên các hệ thống siêu thị, các cửa hàng bán lẻ và các chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng bá đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị thương hiệu, khẳng định vị trí, giá trị của sản phẩm.

Bà Đỗ Thị Hà, Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư và Phát triển Sông Giá cho hay, hợp tác xã là đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Từ khi thành lập tới nay, hợp tác xã đề ra và chủ động tuân thủ 5 nguyên tắc hoạt động, đó là: sản xuất nông sản sạch, có trách nhiệm với người lao động, người tiêu dùng; minh bạch thông tin, kết nối cộng đồng cùng giám sát; phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa; ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ xanh, giảm thiểu chi phí sản xuất và phát thải; khép kín các chu trình kinh tế tuần hoàn.

Hợp tác xã đã kết nối được nhiều tổ chức, cá nhân là các kênh tư vấn uy tín trở thành hậu phương vững chắc về các giải pháp công nghệ; từ đó, hoàn thiện các quy trình ứng dụng để nhân rộng tại địa phương, lan tỏa các giá trị tích cực.

Hiện, hợp tác xã đã cơ bản hoàn thiện các giải pháp công nghệ tổ hợp ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và thương mại nông sản, gồm: 10 mô hình, giải pháp: trồng trọt không hóa chất trong hệ thống nhà lưới khép kín; trồng trọt không hóa chất tại mô hình ngoài trời; xử lý ô nhiễm và tái chế rác hữu cơ thành dinh dưỡng cây trồng kết hợp cải tạo đất; chế biến nông sản bằng phương pháp sấy năng lượng mặt trời và sấy nhiệt thấp; mô hình kinh doanh nông sản sạch tới người tiêu dùng thân quen...

Từ thực tiễn của đơn vị, bà Đỗ Thị Hà cho rằng, thời gian tới, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của thành phố Hải Phòng, các cấp chính quyền, sự chia sẻ của các tổ chức, các đơn vị đồng hành, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận các cơ chế, chính sách. Ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan tiếp tục là đầu mối trung gian mở rộng liên kết giữa các thành phần kinh tế trong liên kết, hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng gắn kết vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.