Một số ý kiến từ các địa phương cho rằng Công văn 2472/BGDĐT-QLCL ngày 5/6/2023 hướng dẫn "bảo đảm các vật dụng mang vào phòng thi phải không chứa thông tin phục vụ mục đích gian lận thi cử và không có các tính năng lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh dưới mọi hình thức", gây khó khăn trong công tác coi thi.
Theo đó, những vật dụng thiết yếu đảm bảo sức khỏe cho thí sinh như máy trợ thính là thiết bị truyền, nhận âm thanh có được phép mang vào phòng thi không? Nếu có, thì cách thức kiểm soát như thế nào? Mặt khác, quy định khu vực bảo quản vật dụng, tư trang không được phép mang vào phòng thi của thí sinh hiện nay có khoảng cách tối thiểu là 25 m so với phòng thi. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của công nghệ thì khoảng cách này còn đảm bảo phòng chống được các gian lận công nghệ cao tinh vi hay chưa?... Các địa phương kiến nghị Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương, Bộ đã yêu cầu các địa phương phải rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi như: Địa điểm in sao đề thi; địa điểm lưu trữ bài thi; địa điểm làm phách; địa điểm chấm thi; hạ tầng công nghệ thông tin... Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho các cán bộ làm công tác thi đúng thời gian và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho hay: Với tinh thần chủ động, phòng ngừa từ sớm, từ xa, Thanh tra Bộ GD&ĐT thực hiện theo nguyên tắc kế thừa, phát huy những ưu điểm của những năm qua và hạn chế, bổ sung những vấn đề liên quan đến các điểm mới. Thanh tra đã tổ chức các hội nghị tập huấn cho các cán bộ về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, thành lập 63 đoàn kiểm tra, thanh tra công tác tổ chức thi tại các địa phương. Phải đảm bảo các khâu của kỳ thi đều được kiểm tra. Không được để một cán bộ nào không được tham gia tập huấn mà tham gia vào kỳ thi. Cán bộ phải được tập huấn đầy đủ, hiểu công việc được giao, được làm.
Được biết, Bộ Công an triển khai, thực hiện nghiêm túc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các công tác chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn kỳ thi, tránh để xảy ra bất cứ sai sót nào. Bộ Công an phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra, đánh giá các an toàn trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi. Đồng thời, tiến hành rà soát các thông tin trên mạng, xử lý những thông tin sai lệch liên quan, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 có tất cả 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó có 37.841 thí sinh tự do, chiếm 3,69% tổng số thi sinh; có 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 46.670 thí sinh chiếm 4,55% tổng số thí sinh.