Theo định nghĩa của UNESCO, Quyền Tự do Nghệ thuật là một khái niệm bao gồm (i) quyền sáng tạo mà không bị đe dọa hoặc kiểm duyệt; (ii) có tác phẩm nghệ thuật được hỗ trợ, phân phối và trả thù lao; (iii) tự do đi lại; (iv) tự do lập hội; (v) được bảo vệ các quyền kinh tế xã hội; và (vi) được tham gia vào đời sống văn hóa.
Quyền Tự do Nghệ thuật thuộc lĩnh vực giám sát của Công ước UNESCO 2005 - như một điều kiện cơ bản cho sự đa dạng của các biểu hiện văn hóa. Tuy nhiên, khái niệm này còn mới và theo quan sát, có rất ít ví dụ về nỗ lực của chính phủ các nước Đông Nam Á trong việc đảm bảo quyền lợi này.
UNESCO bắt đầu đào tạo các nhóm xã hội dân sự ở Indonesia vào năm 2019 với sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc. Komnas HAM là một cơ quan độc lập tại Indonesia với nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được tôn trọng và hưởng các quyền con người. Quy định và thiết lập Tiêu chuẩn mới về Quyền Tự do Ý kiến và Biểu đạt của Komnas HAM có một phần dành riêng về các biểu đạt nghệ thuật và văn hóa. Văn kiện này công nhận tầm quan trọng của nghệ thuật đối với các cá nhân và cộng đồng trong việc thể hiện gu thẩm mỹ, truyền tải quan điểm chính trị, khẳng định tín ngưỡng và bản sắc văn hóa.
UNESCO hoan nghênh và tin rằng động thái này sẽ thúc đẩy đáng kể việc lồng ghép khía cạnh Nhân quyền ít được biết đến này vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống. UNESCO cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với Komnas HAM để mở ra một cuộc đối thoại mới với các tổ chức xã hội dân sự và cơ quan chính phủ, nhằm hỗ trợ tự do quan điểm và biểu đạt cũng như đảm bảo bối cảnh nghệ thuật năng động.