Việt Nam đã được trao cơ hội đặc biệt để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại cả tổ chức khu vực và tổ chức quốc tế. Và theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò này, nhất là trong bối cảnh thế giới phải trải qua những biến cố chưa từng có, do tác động của đại dịch COVID-19. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Vijay Sakhuja, đăng trên trang của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công CPPR.
Ngày 1/1/2020, Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN lần thứ 3 (hai lần trước là vào năm 1998 và 2010); đồng thời bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kéo dài 2 năm (2020-2021) lần thứ hai sau khi trúng cử với "số phiếu gần như tuyệt đối" (lần đầu tiên là nhiệm kỳ 2008-2009).
Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam là "Gắn kết và chủ động. "Việt Nam kêu gọi "sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên, đối tác trong thực hiện tinh thần năm ASEAN 2020."
Trong số những vấn đề đáng chú ý của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nêu bật ít nhất bốn vấn đề: Tăng cường khối đoàn kết ASEAN; tăng cường kết nối khu vực và hội nhập thế giới; tăng cường cam kết giải quyết các vấn đề toàn cầu; nâng cao năng lực thích ứng và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ nhất, trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam, "đoàn kết ASEAN" đã được thể hiện rõ ràng sau khi tất cả các nước thành viên ASEAN đồng ý tham gia vào Tuyên bố Chủ tịch tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 về việc Trung Quốc tôn tạo các đảo, thực thể tranh chấp trên Biển Đông và xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự trái phép tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Việt Nam đã thể hiện được sự nhạy bén, có thể thấy điều này qua việc tất cả các nước thành viên ASEAN đều nhất trí và bớt ngần ngại hơn khi bày tỏ quan điểm về sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối là một trong những vấn đề thuộc ưu tiên của hầu như mọi nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN trước đây và sẽ tiếp tục là ưu tiên trong tương lai. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, vấn đề kết nối của chuỗi cung ứng trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu. Diễn biến tình hình phức tạp đã cho thấy lỗ hỗng trong chuỗi cung ứng của khu vực.
Kế hoạch Hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 đã thể hiện "quyết tâm của ASEAN trong hợp tác chặt chẽ để xác định và giải quyết các thách thức đối với thương mại, dòng chảy hàng hóa thiết yếu, bao gồm thực phẩm, thuốc men, y tế và các nhu yếu phẩm khác trong khu vực." Đây là trong những nỗ lực của ASEAN nhằm không chỉ ngăn chặm, giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, mà còn củng cố tính linh hoạt và sức chịu đựng của chuỗi cung ứng trước những thách thức tương tự trong tương lai.
Thứ ba, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh luôn đứng ở tiền tuyến trong thời gian đại dịch bùng nổ. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 vào tháng 6/2020, ASEAN đã thành lập "Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19," phát triển một "khuôn khổ phục hồi toàn diện" và có những sáng kiến, biện pháp "giúp khu vực phục hồi và mở cửa trở lại, hướng tới khả năng phục hồi lâu dài, sự chuẩn bị và khả năng cạnh tranh."
Thứ tư, về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tuyên bố Chủ tịch tại phiên họp đặc biệt của ASEAN về tăng quyền của phụ nữ trong thời đại số là rất đáng chú ý, nhấn mạnh tầm quan trọng về sự phát triển nhanh chóng của chuyển đổi kỹ thuật số và các công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc Việt Nam đề cập các công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nhiệm kỳ Chủ tịch là rất sáng tạo và cần tiếp tục được phát huy.
Xu hướng hiện nay về chuyển đổi kỹ thuật số rộng khắp và các công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư rõ ràng đang đem tới những thay đổi căn bản trong hầu như mọi khía cạnh của đời sống con người.
Bên cạnh đó, một số nhà lãnh đạo các nước, trong đó có Việt Nam, đã nhận ra tầm quan trọng của việc hướng dẫn người dân sử dụng các công nghệ mới, cũng như áp dụng mô hình sáng tạo để phát triển kinh tế và công nghệ.
Tại diễn đàn Liên hợp quốc, việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an là kết quả của vai trò lãnh đạo đáng chú ý của nước này trong ASEAN cũng như trong nhiều diễn đàn đa phương khác.
Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý khẳng định Việt Nam cam kết duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước Ủy viên thường trực và không thường trực Hội đồng Bảo an, "bảo vệ an ninh, hòa bình quốc tế, thúc đẩy tinh thần hợp tác."
Hơn nữa, với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam có nhiều cơ hội tốt để "có những thành tựu mang dấu ấn của đất nước," được cộng đồng quốc tế công nhận.
Một số vấn đề đang được quan tâm tại Liên hợp quốc là đại dịch COVID-19, mục tiêu phát triển bền vững 2030 và giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Việt Nam đã hoan nghênh nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong đối phó với đại dịch; đồng thời cũng được WHO khen ngợi về phản ứng của đất nước trước tình hình dịch COVID-19.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của Việt Nam là báo cáo tiến độ phát triển của đất nước trong Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Điểm số trung bình của Việt Nam là 71,1, trong khi của ASEAN là 65,7; Việt Nam cũng tăng ba bậc lên vị trí 54 trong thang điểm của thế giới so với năm 2018.
Hơn nữa, Việt Nam cũng có thể thể hiện cam kết mục tiêu phát triển bền vững với các nước thành viên ASEAN cùng Indonesia, một nước Đông Nam Á cũng trúng cử để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hiệp ước SEANWFZ (Nghị định thư Bangkok) đóng vai trò rất quan trọng với ASEAN, đảm bảo không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Đông Nam Á. Việt Nam liên tục "nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp xây dựng lòng tin, cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ không phổ biến," kêu gọi các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư.
Kể từ khi đảm nhiệm hai vị trí quan trọng là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vai trò lãnh đạo của Việt Nam được thể hiện mạnh mẽ qua nhiều sáng kiến trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cũng như qua việc đảm nhiệm tốt các trọng trách được giao.
Việt Nam đã tập hợp và đầu tư nguồn lực ngoại giao khổng lồ đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho cạnh tranh Mỹ-Trung tại Biển Đông và ngăn chặn căng thẳng leo thang, đe dọa "khối đoàn kết ASEAN."
Việc xử lý căng thẳng trong khu vực đòi hỏi kỹ năng ngoại giao dày dặn, sắc sảo, mà đây lại chính là điểm mạnh của ngoại giao Việt Nam.