Vận hành sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Những không gian văn hóa tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn không chỉ thu hẹp khoảng cách, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân mà phần nào cho thấy nguyên tắc “đại chúng hóa” của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị.
Vận hành sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm tuổi

Không gian mở cho cộng đồng

Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ trong những năm gần đây đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của người dân Thủ đô vào mỗi cuối tuần. Với 7 điểm biểu diễn cố định cùng nhiều sân khấu lưu động, cộng đồng được thụ hưởng những hoạt động văn hóa văn nghệ sôi động từ trình diễn âm nhạc hiện đại đến diễn xướng chầu văn, ca trù, xẩm, chèo, tuồng...

Những không gian văn hóa dành cho đại chúng mới xuất hiện không chỉ tập trung vào việc cải tạo không gian tại các công trình kiến trúc, di tích lịch sử. Việc tổ chức không gian mở ngoài trời tương tự như Không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Khu ẩm thực đêm kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xá, hay Phố đi bộ Trần Nhân Tông, giúp các không gian vốn đông đúc thường ngày trút bỏ lớp áo xô bồ, mang đến người dân những trải nghiệm mới.

Trong dòng người hào hứng theo dõi các tiết mục xiếc độc đáo vào ngày cuối tuần trên Phố đi bộ Trần Nhân Tông, Khánh Linh, sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cho biết: “Sự xuất hiện của phố đi bộ và việc công viên Thống Nhất gỡ bỏ rào chắn đã tác động đến xúc cảm của mọi người. Có thể nói, không gian rộng mở, không bị gò bó là yếu tố truyền cảm hứng cho người trẻ cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc nỗ lực tham gia, sáng tạo để thành phố ngày càng thêm tươi đẹp và giàu tính nghệ thuật hơn”.

Cũng tại các không gian sáng tạo của Thủ đô, người dân được tiếp cận và hiểu biết hơn về văn hóa của các quốc gia trên thế giới thông qua các sự kiện văn hóa quốc tế. Hoạt động thụ hưởng văn hóa tại các không gian sáng tạo của đại chúng cũng thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về trình độ, điều kiện thụ hưởng, sự chênh lệch văn hóa giữa các tầng lớp, bộ phận dân cư…

Vận hành sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm tuổi ảnh 1

Theo thống kê từ thành phố Hà Nội, với nhiều hoạt động thu hút, đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi, phát huy phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lượng người đến vui chơi, giải trí trong ngày cuối tuần tại các phố đi bộ nói trên đạt đến con số hàng vạn người. Đặc biệt, với những khu vực trung tâm thành phố, vào các buổi tối có sự kiện lớn, số lượng khách bộ hành trong một thời điểm có thể lên tới vài vạn người.

Khai phá tiềm năng sáng tạo

Bên cạnh các không gian mở, những địa điểm văn hóa khác trong thành phố cũng tích cực diễn ra các hoạt động sáng tạo sôi nổi. Có thể kể tới Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ, trên nền cũ là rạp hát Sán Nhân Đài, công trình đã được cải tạo chỉnh trang trong diện mạo mới, đương đại nhưng vẫn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ kính. Nơi đây đã trở thành tâm điểm cho nhiều hoạt động về biểu diễn, giao lưu nghệ thuật âm nhạc truyền thống, tọa đàm, triển lãm định kỳ, tổ chức không gian đọc sách của Hà Nội trong suốt những năm qua.

Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm cũng là một địa chỉ văn hóa tương tự khi từng tổ chức với tần suất lớn các hoạt động phục vụ lợi ích của cộng đồng, mang đến công chúng những triển lãm thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng như “Phiêu diêu”, “Không gian ký ức 22 Hàng Buồm”, “Hồn nhiên như cô tiên”...

Vừa qua, nơi đây được lựa chọn là một trong các địa điểm chính phục vụ chuỗi sự kiện Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022. Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tương tác trong không gian của Trung tâm đến từ hơn 40 nghệ sĩ đương đại, 8 cuộc tọa đàm hội thảo chuyên đề cũng được tổ chức nhằm chia sẻ những thực hành của các nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới di sản và sáng tạo nghệ thuật.

Vận hành sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm tuổi ảnh 2

Nhận định về khả năng kết nối các không gian văn hóa sáng tạo để mang lại trải nghiệm cho đại chúng, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội cho biết: “Việc gắn kết các không gian sáng tạo đã và đang hiện diện trên địa bàn của Thủ đô đã khuyến khích các nhà sáng tạo trẻ tích cực cùng tham gia xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thiết kế sáng tạo. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự hợp tác với các nhà sáng tạo, tạo ra các sản phẩm sáng tạo thực sự vì lợi ích cộng đồng”.

Bên cạnh đó, hàng loạt các không gian văn hóa tại các di tích, bảo tàng như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam,... cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động trưng bày triển lãm văn hóa nghệ thuật, các lễ hội, trình diễn các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực các vùng miền, mang đến cho người dân hiểu biết rõ nét nhất về những phong tục truyền thống tốt đẹp của Việt Nam.

Ví dụ không gian văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng tổ chức triển lãm với 30 tác phẩm thiết kế sáng tạo được trưng bày lấy cảm hứng từ những di sản văn hóa truyền thống. Có sản phẩm chất liệu tái tạo từ gốm vụn của làng nghề Bát Tràng được ghép khối, lấy các biểu tượng nổi bật trong kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hoa sen, bia rùa để tạo thành. Tựu trung, phần lớn tác phẩm của các tác giả đã khai thác dựa trên nền tảng di sản văn hóa của dân tộc.

Qua đó có thể thấy, các không gian văn hóa sáng tạo không chỉ là không gian vui chơi, thư giãn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, mà còn là những không gian sáng tạo của cộng đồng. Tại các không gian văn hóa sáng tạo này, vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa của công chúng được hình thành và phát huy, góp phần phát triển văn hóa Việt Nam.

Vận hành sáng tạo giữa Thủ đô ngàn năm tuổi ảnh 3

Phúc lợi văn hóa của đại chúng

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các không gian văn hóa ở Thủ đô không chỉ có dấu ấn tham gia của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề, vùng sản xuất; sự hỗ trợ từ phía các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu, chuyên gia mà quan trọng hơn là sự tiếp sức, khích lệ từ phía cộng đồng. Có thể nói, nhân dân là nhân tố cốt lõi mọi công tác từ việc bảo tồn, nhận diện các giá trị văn hóa và phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử.

Theo TS Bùi Văn Tuấn, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), chỉ khi cộng đồng thụ hưởng và tham gia tích cực vào thực hành văn hóa tại các không gian văn hóa sáng tạo, đó là lúc quần chúng nhân dân ý thức hơn việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Thể hiện được vai trò của đại chúng trong việc phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Những buổi trình diễn nghệ thuật ca trù, diễn xướng chầu văn, xẩm, tuồng, chèo, nhạc cụ dân tộc tại Không gian phố đi bộ Hồ Gươm, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... không chỉ dừng lại là những địa điểm vui chơi, thưởng lãm cuối tuần mà đã mang hình hài rõ nét của các điểm hẹn văn hóa, nơi cộng đồng giao lưu, tìm hiểu, thêm yêu và cùng chung tay gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc, từ đó có trách nhiệm cao hơn về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đất nước.

Phúc lợi văn hóa là một nguyên tắc vận hành có sẵn trong nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lĩnh vực, địa bàn văn hóa nào cũng phải quán triệt triết lý, đạo lý của dân tộc ta về văn hóa và phúc lợi văn hóa, đó là: lấy việc phụng sự nhân dân, góp phần làm cho người dân được thụ hưởng tốt nhất các giá trị văn hóa làm nguyên tắc chủ đạo.

Kết nối những góc nhìn trên với ba nguyên tắc vận hành dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa của Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn bản chủ trương thiết kế đường lối văn hóa, văn nghệ, phục vụ cho công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân từ sau Cách mạng Tháng Tám - có thể nhận thấy nguyên tắc “đại chúng hóa” cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Sự phát triển các không gian văn hóa sáng tạo tại Thành phố Hà Nội là phục vụ lợi ích và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phát huy vai trò sáng tạo và làm chủ văn hóa của nhân dân, thể hiện sự kế thừa, vận dụng và bổ sung tính đại chúng trong phát triển văn hóa của Thủ đô.

Do đó, trong thời gian tới, để huy động nguồn lực phát triển các không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô phục vụ lợi ích cộng đồng góp phần phát triển nền văn hóa mang tính đại chúng cần sự chung tay của các cấp, các ngành, từ xây dựng thể chế, chính sách đến các hoạt động cụ thể.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?