Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước một loạt những sự kiện đáng quan tâm như Fed công bố biên bản cuộc họp tháng Chín và triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã khiến giá kim loại quý giảm ở hầu hết các phiên trong tuần.
Phiên đầu tuần, giá vàng vẫn vững giá trên mốc 42 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sang phiên 8/10, kim loại quý trong nước đã rời khỏi mốc này.
Phiên này, giá vàng tại thị trường châu Á giảm xuống gần mức thấp nhất một tuần qua. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp do đồng USD vững trước cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sang phiên 9/10, giá vàng châu Á tăng nhẹ trong bối cảnh những hy vọng mong manh về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến nhu cầu đối với các tài sản rủi ro, giữa lúc thị trường cũng đang ngóng chờ manh mối về chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng trong nước theo đó cũng hồi phục trở lại ngưỡng 42 triệu đồng/lượng.
Phiên 10/10, giá vàng trong nước trượt dốc trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần qua trước những tín hiệu tích cực về vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra ngày 10 và 11/10.
Giá vàng trong nước phiên cuối tuần tiếp tục giảm theo giá vàng thế giới và giao dịch dưới mốc 42 triệu đồng/lượng.
Sáng nay (13/10), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 41,5 - 41,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tập đoàn Doji cũng niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 41,4 - 41,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tính chung cả tuần, giá vàng thế giới đã giảm 1,6%, mức giảm lớn nhất trong hơn 7 tháng qua. Thương hiệu vàng SJC cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm từ 200.000 - 300.000 đồng/lượng trong tuần qua.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giá vàng vẫn khá ổn định và duy trì được đà tăng trong dài hạn.
Nhà phân tích Fawad Razaqzada của trang môi giới đầu tư trực tuyến Forex.com cho biết, mặc dù Mỹ và Trung Quốc có một thỏa thuận, nhưng tình trạng bán tháo ồ ạt trên thị trường vàng sẽ khó xảy ra.
Thậm chí trong tương lai, một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể là một yếu tố tích cực. Bởi lẽ nếu Trung Quốc đạt được một thỏa thuận, nhu cầu về vàng của nước này sẽ tăng vì đây là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.