Nhà Trưng bày Văn hóa Óc Eo |
Trong 8 bảo vật quốc gia đó, hiện có 6 bảo vật được trưng bày tại Bảo tàng An Giang (11 Tôn Đức Thắng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) và 2 bảo vật được lưu giữ tại Nhà Trưng bày Văn hóa Óc Eo (đường Nguyễn Thị Hạnh, Khóm Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Cả hai địa điểm này đều mở cửa miễn vé đón khách tham quan.
Năm 1944, Gò Cây Thị nằm trên cánh đồng Óc Eo (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay) được nhà Khảo cổ học người Pháp Louis Malleret tiến hành khai quật lần đầu tiên. Nhưng mãi đến năm 1998 - 1999 các nhà khảo cổ mới khai quật lần thứ hai làm xuất lộ toàn bộ kiến trúc của công trình cổ được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thứ 8. Các nhà khảo cổ phát hiện các di tích văn hóa Óc Eo còn ở nhiều địa điểm khác tại tỉnh An Giang với hàng chục ngàn hiện vật đã được khai quật.
Với những giá trị đặc biệt về Lịch sử - Văn hóa - Nghệ thuật - Khảo cổ học, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê là Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg.
Sau khi được chính thức xếp hạng vào năm 2013, UBND tỉnh An Giang đã thành lập Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo với chức năng giúp UBND tỉnh về quy hoạch, khai quật khảo cổ, nghiên cứu, lập hồ sơ, sưu tầm, trao đổi, bảo quản, trưng bày, phục chế hiện vật; Giáo dục, khoa học; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hoá Óc Eo…
Một số nhà khoa học cho rằng, Óc Eo vốn là một cảng thị, có vị thế trung tâm trên phương diện văn hóa và tôn giáo. Đồng hành và theo chân các thương nhân, các tu sĩ đạo Bà La Môn và sư tăng Phật giáo từ Ấn Độ cũng đã đến Phù Nam và một số tiểu quốc khác ở Đông Nam Á. Họ không chỉ là những nhà truyền giáo mà còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác.
Một số di tích của nền văn hoá Óc Eo. |
Theo một số nhà nghiên cứu, tương truyền một tu sĩ Bà La Môn có tên Hỗn Điền từ Ấn Độ theo thuyền buôn tới Phù Nam, rồi làm vua của nước này đã “tùy theo luật Ấn Độ mà sửa đổi lại nền nếp trong nước”. Bà La Môn trở thành quốc giáo, thâu tóm cả vương quyền lẫn thần quyền. Các biểu tượng con ốc, bánh xe, quả cầu, cây gậy… trong văn hóa Bà La Môn được phổ biến rộng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Minh Thuận, cán bộ Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, cho biết sau 11 năm được thành lập đến nay, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đã có rất nhiều hoạt động trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản này, trong đó có việc triển lãm các hiện vật văn hóa Óc Eo tại nước ngoài. Cũng theo ông Minh Thuận, trong số 8 bảo vật quốc gia, chỉ có một bảo vật là “Nhẫn Nandin Giồng Cát” được trưng bày hạn chế vì hiện vật nhỏ dễ bị thất lạc.
Di tích Văn hóa Óc Eo được sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan ở Trung ương, tỉnh An Giang đã hoàn thành báo cáo tóm tắt Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Năm 2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7556/VPCP-KGVX về việc gửi báo cáo tóm tắt hồ sơ khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.
Ngày 4/1/2022, Trung tâm di sản thế giới đã ghi danh Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới, đánh dấu hoàn thành giai đoạn 1 của việc xây dựng hồ sơ.
Ông Minh Thuận, cho biết thêm: “Hiện nay, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đang tham mưu UBND tỉnh An Giang phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán thực hiện nhiệm vụ, lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, chuẩn bị tổ chức đấu thầu xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang sẽ tiếp tục ra sức bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc nền văn hóa Óc Eo – Ba Thê hướng đến di sản văn hóa nhân loại”.
8 bảo vật quốc gia
Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc: Chất liệu: đá,niên đại: thế kỷ III – IV,khai quật tại di tích Linh Sơn Bắc, năm 2019.Hiện vật tìm thấy trong địa tầng khai quật còn khá nguyên vẹn tại di tích Linh Sơn Bắc. Cho đến nay, đây là hiện vật độc bản thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo, thể hiện nền nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo. Theo các nhà nghiên cứu, Đạo Phật được du nhập vào Phù Nam và phát triển mạnh cho đến thế kỷ VII – VIII. Tuy không giữ vị trí quan trọng như Bà La Môn giáo, nhưng đạo Phật có tác động tích cực đến đời sống của cư dân Óc Eo, tạo được mối quan hệ giao lưu rộng rãi với các nước trong khu vực.
Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc - Ảnh: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cung cấp |
Tượng Phật đá Khánh Bình: Chất liệu: đá,niên đại: thế kỷ VI – VII,khai quật tại xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang,là hiện vật có độ hoàn thiện rất cao và rất tiêu biểu thuộc nền Văn hóa Óc Eo. Hiện vật là một tác phẩm điêu khắc hoàn thiện, rất cân đối với đường nét mềm mại, hài hòa… Các nhà nghiên cứu đánh giá: “Những đường nét thể hiện trên khuôn mặt đã mang những dấu ấn rõ nét của cư dân bản địa, có thể xem như là một biểu hiện của sự bản địa hóa. Hiện vật là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra rất mạnh của cư dân Óc Eo”.
Tượng Phật đá Khánh Bình - Ảnh: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cung cấp |
Tượng Phật gỗ Giồng Xoài: Chất liệu: gỗ, niên đại: thế kỷ IV – VI, khai quật tại di tích Giồng Xoài. Hiện vật có kích thước to lớn, hiếm có trong văn hóa Óc Eo. Hiện vật được làm bằng gỗ sao, là sản phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình và điêu khắc nói chung, kết tinh đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng và các nghề chế tác thủ công (điêu khắc, dát mỏng kim loại và phủ vàng) vốn là một truyền thống được hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử vùng đất Nam Bộ từ những thế kỷ đầu Công nguyên.
Tượng Phật gỗ Giồng Xoài - Ảnh: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cung cấp |
Tượng thần Brahma Giồng Xoài: Chất liệu: đá, niên đại: thế kỷ VI – VII,tìm thấy năm 1983 tại di tích Giồng Xoài. Hiện vật này được xác định là tượng thần Brahma có niên đại sớm nhất và duy nhất thuộc văn hóa Óc Eo còn lại hiện nay. Tượng thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn của một tượng thần Brahma với nhiều nét đặc điểm của nghệ thuật Ấn - Âu còn rất rõ. Hiện vật là sự kết hợp của nghệ thuật tạo hình ngoại nhập và bản địa, là một trong những đại diện đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.
Tượng thần Brahma Giồng Xoài - Ảnh: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cung cấp |
Bộ Linga – Yoni Đá Nổi: Chất liệu: kinh loại vàng, đồng; niên đại: thế kỷ V – VI, khai quật tại di tích Đá Nổi, năm 1985.Đây là bộ Linga-Yoni duy nhất bằng kim loại vàng, đồng thau gồm nhiều phần ghép lại thống nhất. Cách bố cục linga xuyên thủng yoni mang tính tượng trưng rất cao, rất sinh động. Nó vừa thể hiện đậm nét nội dung của tôn giáo Ấn Độ, vừa thể hiện năng lực sáng tạo nghệ thuật trang trí của người thợ thủ công. Hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử sâu đậm của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á trong nửa sau thiên niên kỷ thứ I.
Bộ Linga – Yoni Đá Nổi - Ảnh: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cung cấp |
Bộ Linga – Yoni Linh Sơn: Chất liệu: hai loại đá khác nhau, niên đại: thế kỷ VII, khai quật ở phía Đông khu vực chùa Linh Sơn, năm 1985.Hiện vật sử dụng kết hợp hai loại chất liệu đá khác nhau đã đem lại hiệu ứng về thẩm mỹ cũng như tính hướng tâm, làm cho khối linga - yoni nổi bật lên hẳn, được tôn lên nổi trội khi đặt trên phần bệ đỡ được chế tác cầu kỳ. Hiện vật là một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình trong lịch sử vương quốc Phù Nam với những nét đặc trưng riêng bên cạnh sự tương đồng rõ nét thể hiện qua nội dung tôn giáo Ấn Độ được tiếp nhận thông qua quá trình trao đổi, giao lưu và tiếp biến văn hóa.
Bộ Linga – Yoni Linh Sơn - Ảnh: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cung cấp |
Nhẫn Nandin Giồng Cát: Chất liệu: vàng, niên đại: thế kỷ V, khai quật tại di tích Gò Giồng Cát, năm 2018. Hiện vật là duy nhất phát hiện trong địa tầng khảo cổ tại di tích Giồng Cát. Hiện vật nhẫn có mặt hình bò Nandin dưới dạng tượng tròn trong tư thế nằm được chế tác với kỹ thuật kết hợp đúc và chạm. Hiện vật được chế tác với những chi tiết nhỏ, tinh tế, đòi hỏi trình độ chế tác rất cao. Tính độc đáo trong việc sử dụng chất liệu kim loại vàng đã đem lại hiệu ứng về thẩm mỹ, hiệu ứng về mặt tôn giáo và sự trang trọng cao quý. Nhẫn Nandin cùng với nhiều hiện vật và vàng lá tìm được trong Văn hóa Óc Eo, minh chứng Óc Eo có một nền kinh tế rất phát triển và có giao lưu thương mại với nhiều nước trên thế giới qua con đường tơ lụa trên biển.
Nhẫn Nandin Giồng Cát - Ảnh: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cung cấp |
Mukhalinga Ba Thê: Chất liệu: đá, niên đại: thế kỷ VI, phát hiện năm 1986 tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.Là hiện vật có niên đại sớm nhất đối với điêu khắc thể hiện biểu tượng “mukha” trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.Nội dung tôn giáo và hình mẫu thể hiện mang đậm nét ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, phản ánh mối quan hệ lịch sử trao đổi văn hóa diễn ra trong thời gian dài và mạnh mẽ giữa văn hóa Óc Eo và nền văn hóa Ấn Độ.
Mukhalinga Ba Thê - Ảnh: Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo cung cấp |