Nón lá Làng Chuông là một trong những sản phẩm nón lá nổi tiếng nhất cả nước ở độ bền, chắc, đẹp. Để làm được những chiếc nón bền, chắc đòi hỏi người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn tỉ mỉ, chính xác của người thợ để tạo nên chiếc nón hoàn chỉnh.
Từ hàng trăm năm nay, cứ vào ngày chẵn âm lịch hàng tháng lại diễn ra phiên chợ làng Chuông, ở đây những người thợ làm nón có thể mua được những nguyên liệu làm nón bao gồm: vòng, mo, dây cước, chỉ, kim khâu nón…
Lá là chất liệu quan trọng làm nên chiếc nón được lấy từ hai loại cây giống như cây cọ, mọc ở những vùng đồi núi, trung du phía Bắc. Với loại lá non còn búp, chưa xòe ra hẳn, người ta cắt về phơi khô hai đến ba nắng.
Sau khi phơi khô lá sẽ được rẽ cho thẳng ra, sau đó người thợ đưa lá qua lưỡi cày được làm nóng, kéo nhanh tay để đảm bảo lá phẳng và không bị hỏng.
Sau đó tới công đoạn “bứt vòng”: Người thợ sẽ sử dụng dao, cước để quấn vòng quanh khuôn nón. Công đoạn làm khung nón được cho là khó nhất bởi nó quyết định đến độ tròn vành và sự bền chắc của một chiếc nón. Nón làng Chuông trông đơn giản, nhưng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ khi làm ra nó. Khung nón làm bằng tre ngâm kỹ vừa dẻo dai lại rắn chắc, gồm 16 vành.
Tiếp theo, người thợ sẽ dùng 1 lớp lá đã được là phẳng dải vào khung 1 lớp đầu tiên, sau đó đến 1 lớp mo và cuối cùng sẽ là 1 lớp lá nữa. Sau khi quay xong người thợ sẽ thực hiện khâu nón theo từng vòng.
Bước “khâu nón” khá mỉ mỉ, người thợ sẽ dùng kim, cước để khâu lần lượt các vòng nón từ trên đỉnh nón xuống đến vòng cạp ( vòng to nhất của nón ). Sự khéo của người thợ khâu sẽ thể hiện qua từng mũi kim.
Sau khi khâu xong đủ 16 vòng nón, các bà các chị phải luồn nhôi. Người thợ sẽ dùng kim (kim luồn nhôi cong) để luồn sợi chỉ qua vòng nón bên mặt trong của chiếc nón, người sử dụng có thể buộc quai nón khi sử dụng.
Công đoạn cuối cùng là bước "nức nón": Người thợ sẽ dùng vòng liếc, vòng kèm, cước đỏ, kim để làm công đoạn này.
Mỗi buổi chiều, các bà các chị trong làng thường tập trung ở một nhà, cùng nhau khâu nón và kể nhau nghe những câu chuyện hàng ngày với nhau. Chị Phạm Thị Nghĩa chia sẻ: “Hàng ngày chị tập trung ở đây khâu nón, nói chuyện trên trời dưới biển với các bà các chị, vừa vui lại vừa có hứng thú khâu nón”.
Trải qua thời gian dài với bao đổi thay của cuộc sống, nhưng những chiếc nón vẫn theo các bà, các mẹ, các chị ra đường. Nón làng Chuông ngày không chỉ che mưa, che nắng mà còn tạo nên cái "duyên" rất đặc sắc, trở thành nét văn hóa của dân tộc Việt, làm ngỡ ngàng bao du khách nước ngoài.