Ông Khải chính là người bị tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng Chương trình EB-5 mà Ngay Nay đã điều tra, đăng tải những chứng cứ có dấu hiệu sai phạm.
Lập công ty để… hợp thức hóa hồ sơ với phía Mỹ
Theo quy định, các công ty tại Việt Nam chỉ làm dịch vụ môi giới, tư vấn Chương trình EB-5 và phải có đăng ký hoạt động ở lĩnh vực này, chứ không được ký bất kỳ văn bản nào liên quan đến hồ sơ Chương trình EB-5. Nhưng ông Khải đã dùng pháp nhân giám đốc Công ty TNHH Đức Quảng Khải để đại diện bà V. ký Biên bản đặt cọc với đối tác nước ngoài, thậm chí thời điểm ký, công ty của ông Khải chưa đăng ký hoạt động môi giới ở lĩnh vực này và đến nay vẫn vậy.
Vậy mà khi phóng viên hỏi tại thời điểm đó, Công ty TNHH Đức Quang Khải chưa đủ pháp lý để làm giấy tờ này (hồ sơ Chương trình EB-5), thì cả ông Khải và luật sư Bùi Bá Dũng - đại diện pháp lý của ông Khải - nói rằng công ty chưa… thành lập. Nhưng theo thông tin của Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, Công ty TNHH Đức Quang Khải thành lập ngày 5/3/2018. Điều này trái ngược với lời ông Khải nói trước đó là công ty thành lập cuối năm 2018.
Đối chiếu với Biên bản đặt cọc được thực hiện ngày 24/6/2018, thì rõ ràng Công ty TNHH Đức Quang Khải được thành lập trước chứ không phải chưa thành lập như ông Khải và luật sư Dũng nói.
Khi phóng viên đưa Biên bản đặt cọc ra, thì ông Khải xác nhận là đặt cọc 300.000 USD “ở bên đó” cho bà V.
“Thời điểm đó công ty chưa đăng ký hoạt động trong lĩnh vực visa nói chung, EB-5 nói riêng nhưng sao ông Khải đứng tên giám đốc công ty để ký hợp đồng?”, phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi. Cho đến lần đăng ký thay đổi gần đây nhất là ngày 15/4/2021, Công ty TNHH Đức Quảng Khải vẫn chưa có đăng ký hoạt động ở lĩnh vực này.
Văn bản trả lời Tạp chí Ngày Nay của Sở KH&ĐT trả lời công ty của ông Khải chưa đăng ký hoạt động lĩnh vực visa, EB-5. |
Ông Khải trả lời rằng cá nhân mình ký nhưng đưa công ty vào để… hợp thức hóa với bên Mỹ. Điều này hoàn toàn trái ngược với lời ông Khải nói trước đó, rằng hồ sơ, giấy tờ qua Mỹ là phải thật, không dối gian được. Còn việc có con dấu của công ty, ông Khải nói là… bổ sung sau.
Còn luật sư Dũng đại diện của ông Khải lí giải thêm: “Về bản chất, tất cả các việc đã làm xong. Sau khi thực hiện xong tất cả về mặt nội dung, thì về mặt hình thức thì họ đòi hỏi có những vấn đề phải bổ sung hồ sơ, thì cái biên bản đặt cọc này là để hợp thức hóa cái việc đã làm trước nên mới có việc đứng tên công ty làm”.
Lý giải này không thuyết phục! Vì các công ty tại Việt Nam chỉ môi giới, tư vấn, hỗ trợ chứ không được ký bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến hồ sơ, đó là chưa nói, công ty của ông Khải chưa đăng ký hoạt động lĩnh vực này, thì lấy tư cách gì để “hợp thức hóa” với Luật sư Di trú bên Mỹ? Thậm chí, pháp luật quy định, ông Khải không được dùng tư cách cá nhân để ký các giấy tờ hồ sơ Chương trình EB-5 cho bà V.
Nên khi phóng viên hỏi tại sao có thể hợp thức hóa hồ sơ này như vậy được? Cả ông Khải và luật sư Dũng không trả lời.
Ông Khải “bẻ lái”, nói chỉ giới thiệu trực tiếp bà V. ký trực tiếp với “Công ty Fish Oil” chứ không phải ký với mình. Lúc này luật sư Dũng nói rằng bà V. không ký với ông Khải mà ký với luật sư bên Mỹ, ông Khải lặp lại thông tin chủ tịch tập đoàn bay về ký với bà V.
Khi phóng viên thắc mắc pháp luật không cho phép người đại diện ký hồ sơ nhưng ông Khải ký, thì ông Khải nhiều lần khẳng định mình chỉ là người giới thiệu, dù có nhiều văn bản ông Khải ký với tư cách là “người đại diện”.
Điều đáng chú ý, là trong tất cả tài liệu liên quan mà phía ông Khải và bà V. cung cấp cho phóng viên, không có văn bản nào thể hiện có sự hiện diện của “Công ty Fish Oil” mà ông Khải nói.
Ông Khải xúc phạm, đe dọa phóng viên
Trong buổi làm việc trực tiếp ngày 21/8, khi đến đoạn phóng viên hỏi về vấn đề Công ty TNHH Đức Quang Khải chưa đăng ký hoạt động ở lĩnh vực visa nói chung, EB-5 nói riêng nhưng sao ông Khải dùng pháp nhân giám đốc để ký biên bản đặt cọc, thì ông Khải chuyển sang thái độ khó chịu, nặng lời (xưng mày -tau/tao) với phóng viên. Chỉ đến khi luật sư Dũng “hòa giải” thì ông Khải mới dịu giọng và làm việc trở lại.
Không ngờ sáng 24/8, ông Khải nhiều lần nhắn tin đe dọa, xúc phạm phóng viên. Toàn bộ tin nhắn đó đã được phóng viên chụp ảnh màn hình và gửi cho luật sư Dũng biết.
Đáng ngờ công ty chủ dự án Chương trình EB-5 tại Mỹ
Trong Hợp đồng cam kết mà ông Khải với vai trò người đại diện của bà V. ký với đối tác nước ngoài là Công ty Công ty KVC Holding LLC.
Phóng viên trưng giấy của Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt Nam có nội dung đề cập Công ty KVC Holding LLC không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam thì ông Khải nói rằng giấy tờ này giả. “Phòng Hình sự Công an tỉnh Quảng Nam nói giấy tờ này là giấy tờ giả”, ông Khải nói.
Tuy nhiên, hồ sơ mà phía ông Khải cung cấp cho phóng viên không có văn bản của Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt Nam. Điều này có thể đặt câu hỏi, ông Khải lấy đâu giấy của Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt Nam để cung cấp cho Công an tỉnh Quảng Nam mà ông Khải nói rằng phòng hình sự Công an tỉnh Quảng Nam nói đó là giấy tờ giả?
Sau đó, phóng viên đưa thông tin Công ty KVC Holdings LLC đã giải thể ngày 23/9/2005, thì ông Khải nói rằng công ty mẹ là Catfish (trong các giấy tờ liên quan có ghi tên Công ty TNHH Catfish LLC ký với bà V. vẫn còn làm.
Tuy nhiên, tài liệu mà các bên cung cấp cho phóng viên, không có văn bản nào thể hiện công ty này ký với bà V., mà chỉ có ông Nathan Park đại diện Công ty KVC Holdings LLC là Chủ Dự án đầu tư EB-5 ký với bà V. và “người đại diện” là ông Khải ngày 7/12/2019. Nhưng Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt Nam cũng có khẳng định Công ty KCV Holdings LLC không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
"Giấy chứng nhận doanh nghiệp mà phía ông Khải cung cấp cho phóng viên". |
Trong hồ sơ phía ông Khải cung cấp, có 2 giấy chứng nhận doanh nghiệp và thành lập công ty có nhiều dấu hiệu đáng ngờ. Một giấy ở trên ghi “Giấy chứng nhận Doanh nghiệp Hợp danh Trách nhiệm hữu hạn Mississippi”, nhưng phía dưới lại ghi tên doanh nghiệp là US Catfish”; một giấy ở trên ghi “Giấy chứng nhận thành lập Công ty TNHH Mississippi”, nhưng phía dưới lại ghi tên doanh nghiệp là KVC Holdings LLC.
Điều đáng nói là người cấp các giấy tờ này là ông Delbert Hosemann vào năm 2016, nhưng lúc thì với vai trò là Bộ trưởng Ngoại giao, lúc thì với vai trò là Đổng lý tiểu bang. Phát hiện điều bất ngờ trên, phóng viên yêu cầu được xem bản gốc, thì ông Trần Thanh Liêm - Trợ lý của ông Khải phản hồi “anh đang yêu cầu gửi về Việt Nam”.
Trở lại thông tin Công ty KVC Holdings LLC đã giải thể từ năm 2005, phía ông Khải nhiều lần nói rằng “trong công ty này có nhiều Công ty KVC”, dù cho phóng viên nhiều lần nói rõ là Công ty KVC như phản hồi của Trung tâm Thương mại Mỹ - Việt Nam.
Một điều khó hiểu nữa là, trước khi ký Hợp đồng cam kết ngày 7/12/2019 với ông Nathan Park - Chủ Dự án đầu tư EB-5 của Công ty KVC Holding LLC, thì ngày 24/6/2018, ông Khải là người đại diện của bà V. cùng bà V. ký “Biên bản đặt cọc Chương trình đầu tư định cư Hoa Kỳ EB-5” với ông Vinh Tran, đại diện của Công ty One Bright Life LLC.
Trong Biên bản đặt cọc thể hiện nội dung Công ty KVC Holdings LLC là chủ đầu tư dự án, mà không có nội dung nào thể hiện Công ty One Bright Life LLC có liên quan gì đến dự án nhưng lại đại diện bên nhận đặt cọc. Trong biên bản đặt cọc, ông Khải ký với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Đức Quang Khải, đại diện cho bà V.
Tại sao Biên bản đặt cọc và Hợp đồng cam kết lại ký với 2 công ty khác nhau, mà không có bất kỳ thông tin nào thể hiện sự liên quan nhau?
Đáng chú ý, hồ sơ mà phía ông Khải cung cấp cho phóng viên, không có Biên bản đặt cọc ngày 24/6/2018.
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!