Hội nghị có sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu từ 161 quốc gia trên thế giới, bao gồm 150 Bộ trưởng và lãnh đạo cấp bộ phụ trách văn hóa của các nước, đại diện của 30 tổ chức quốc tế, 90 tổ chức phi chính phủ, 25 thành phố trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, cùng các cơ quan văn hóa quốc gia, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa và đông đảo phóng viên, báo chí từ các nơi trên thế giới.
Hội nghị có 18 phiên thảo luận về các chủ đề: Làm mới và tăng cường chính sách văn hóa; Di sản và đa dạng văn hóa trong khủng hoảng; Văn hóa vì sự phát triển bền vững và Tương lai của Kinh tế sáng tạo. Ngoài ra, hội nghị cũng có 14 hội thảo và hàng loạt các triển lãm, sự kiện văn hóa chuyên đề. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi về vai trò của văn hóa trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững; công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa; khuyến khích sự phát triển của kinh tế sáng tạo và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cụ thể, trong phiên thảo luận chuyên đề “Văn hóa vì sự phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm cũng như những đề xuất, kiến nghị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc xác định và đánh giá đầy đủ vai trò, đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển bền vững, cũng như xây dựng và phát triển chính sách văn hóa trong thời gian sắp tới. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh Việt Nam nhận thức đầy đủ vai trò của văn hóa như một động lực của phát triển bền vững và thể hiện sự cam kết sâu rộng của mình trong việc thực hiện, cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030. Việt Nam tự hào vì có một nền di sản văn hóa dồi dào và đa dạng, cùng với lực lượng lao động sáng tạo trẻ đầy hoài bão và tham vọng. Để khai thác các tiềm năng quan trọng này và thực sự biến mục tiêu thành hành động cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng các chiến lược như Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa nhằm rà soát hệ thống dữ liệu thống kê văn hóa, đánh giá toàn diện khuôn khổ chính sách và các chương trình phát triển văn hóa để làm thực tiễn, căn cứ cho việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong suốt tiến trình này, Việt Nam đã trải qua một số cột mốc quan trọng mà nhờ đó văn hóa, từ một lĩnh vực do Nhà nước đầu tư đã trở thành một lĩnh vực có khả năng vận hành theo cơ chế tự chủ, có sự đa dạng của các hình thức biểu đạt văn hóa khác nhau, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế (khoảng 3,6% GDP) và giữ ổn định xã hội, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững của quốc gia. Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong nỗ lực phát triển văn hóa và gắn kết văn hóa với phát triển bền vững. Chính vì vậy, các vấn đề căn bản như điều kiện làm việc, quan hệ lao động và an sinh xã hội của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sẽ trở thành trọng tâm ưu tiên của hệ thống chính sách trong thời gian tới của Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Trong cuộc tiếp kiến Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO Tamara Rastovac Siamashvili, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông báo Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Việt Nam trân trọng cảm ơn UNESCO đã vinh danh, ghi danh các di sản của Việt Nam và mong tiếp tục nhận được sự đồng thuận của UNESCO trong việc xếp hạng và công nhận các di sản văn hóa trong thời gian tới, cũng như tham khảo các kinh nghiệm của UNESCO trong quá trình sửa đổi Luật Di sản.
Về phần mình, bà Siamashvili đánh giá cao sự tham gia, đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong UNESCO.
Trong thời gian tham gia hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Văn hóa nước chủ nhà Mexico Alejandra Frausto Guerrero để thảo luận về các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác văn hóa song phương. Hai bộ trưởng nhất trí khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với cả hai nước; chia sẻ sự quan tâm và ưu tiên chung trong quá trình xây dựng, triển khai hệ thống các chính sách, giải pháp trụ cột về văn hóa nhằm đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, hai bên cũng xác định hợp tác văn hóa nghệ thuật là động lực thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam-Mexico và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước như đã được lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước vui đắp, xây dựng, phát triển qua các giai đoạn lịch sử, nhất là kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (19/5/1975) đến nay.
Bộ trưởng Guerrero khẳng định Chính phủ và Bộ Văn hóa Mexico quan tâm phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam về văn hóa-nghệ thuật nói chung và các lĩnh vực cụ thể nói riêng như điện ảnh, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, khảo cổ học… Mexico hài lòng về sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Liên đoàn quốc tế các hội đồng nghệ thuật và cơ quan văn hóa (IFACCA) và rất trân trọng những ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về tăng cường hợp tác văn hóa giữa hai nước cũng như với cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Guerrero nhấn mạnh muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế để đưa ra những giải pháp, chiến lược cụ thể phát triển văn hóa trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, trong đó có khả năng đề xuất Liên hợp quốc nghiên cứu và chấp thuận bổ sung Mục tiêu phát triển mới (mục tiêu số 18) về văn hóa bên cạnh 17 Mục tiêu phát triển bền vững đã được cộng đồng quốc tế triển khai trong suốt thời gian qua.
Để tiếp tục phát triển hơn nữa hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Mexico, trên cơ sở rà soát các kết quả đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và người đồng cấp Guerrero đã trao đổi và thống nhất sẽ ký văn bản thỏa thuận cụ thể giữa hai bên trong thời gian sớm nhất về những lĩnh vực hợp tác cùng quan tâm như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, sân khấu, ẩm thực…, đặc biệt trong bối cảnh hai nước tiến tới phát triển quan hệ song phương lên tầm Đối tác toàn diện trong thời gian sắp tới.
Tiếp đó, tại cuộc gặp với Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Điện ảnh của Hạ viện Mexico Carlos Francisco Ortiz Tejeda, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất Mexico bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các địa phương đặt các công trình tượng Bác; đồng thời tăng cường hơn nữa hợp tác văn hóa như tổ chức các tuần phim, triển lãm ảnh thường niên của Việt Nam và Mexico. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Việt Nam sẵn sàng đón các đoàn làm phim của Mexico đến Việt Nam để thực hiện các tác phẩm điện ảnh có chất lượng và đề nghị Mexico gửi các tác phẩm điện ảnh tham dự Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI vào tháng 11 tới.
Về phần mình, ông Tejeda mong muốn Việt Nam sẽ gửi những tác phẩm điện ảnh trình chiếu tại Mexico nhằm tăng cường hiểu biết của nhân dân Mexico đối với Việt Nam, một đất nước tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa và người dân thân thiện.
Trong thời gian ở Mexico, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn đã đến thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico và dâng hoa trước tượng Bác Hồ tại trung tâm lịch sử thành phố Mexico. Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoành Năm tham gia các hoạt động của đoàn.