Cách đây vài tuần, một nhóm gồm các nhà lãnh đạo Hiệp hội Nông nghiệp Quốc gia Mỹ (NASDA) đã mời các đại diện của Hiệp hội Công nghiệp Thức ăn chăn nuôi Mỹ (AFIA) tham gia với tư cách là khách mời để gặp gỡ các đại diện chính phủ và doanh nghiệp của ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Và mọi người đã chứng kiến sự phát triển kinh tế nhanh chóng, tích cực của Việt Nam.
Đó là nhận định của ông Constance Cullman, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Thức ăn chăn nuôi Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam gần đây.
Theo ông Cullman, với những giai đoạn có tốc độ tăng trưởng hai con số, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam đang tận dụng nguồn lực dân số gần 100 triệu người (với 70% dân số dưới 40 tuổi, đây là thị trường hàng đầu của Facebook), nhiều hiệp định thương mại, chi phí sản xuất thấp và vị trí địa lý thuận lợi để nâng cao mức sống và an ninh chính trị.
Được các nhà lãnh đạo NASDA đặt biệt danh là “Thụy Sĩ của châu Á” trong chuyến thăm, Việt Nam vừa đảm bảo được sự ổn định về chính trị vừa phát huy được thế mạnh thương mại hàng hải. Với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ (trong khi Mỹ là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam), và với tỷ lệ người dân ủng hộ sự hợp tác với Mỹ cao, Việt Nam mong muốn thắt chặt quan hệ hơn nữa giữa hai nước.
Cảng Sài Gòn là một minh chứng cho triển vọng của Việt Nam. Nằm gần Thành phố Hồ Chí Minh ở đồng bằng sông Cửu Long, đây là một cảng vận chuyển hàng và container nhộn nhịp với sự tham gia của một số công ty, trong đó có SSIT của Mỹ.
Nông nghiệp là một phần trọng tâm trong kế hoạch tăng trưởng của Việt Nam. Với nỗ lực hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp đồng thời cân bằng nhu cầu của các hộ nông dân nhỏ, Việt Nam đang tìm cách tăng lượng protein động vật trong chế độ ăn của người dân, đồng thời trở thành nhà xuất khẩu tôm và gia cầm của khu vực.
Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực tích cực để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (triển khai vaccine ASF), bằng cách khuyến khích củng cố và hiện đại hóa ngành sản xuất gia súc ở trong nước. Sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhu cầu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang tăng lên cùng với nhu cầu mới nổi về khẩu phần thức ăn chất lượng như chúng ta đã thấy ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam.
Người Việt Nam rất chuộng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đậu nành, ngô và các sản phẩm phụ của Mỹ để cải thiện hiệu quả và chất lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho vật nuôi. Quyền sở hữu vật nuôi ngày càng tăng đang tạo ra nhu cầu về thức ăn chất lượng cho vật nuôi. Trong khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vào đầu năm 2017 đặt Washington vào thế bất lợi, Việt Nam đã phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán tiếp cận thị trường tốt hơn cho các sản phẩm của Mỹ.
Với triển vọng trên, ông Cullman kết luận chắc chắn đây là một thị trường có tiềm năng to lớn đối với ngành thức ăn chăn nuôi của Mỹ. May mắn thay, Hiệp hội Công nghiệp Thức ăn chăn nuôi Mỹ là một cái tên được công nhận tại Việt Nam và đang tích cực đạt được tiến bộ để chia sẻ những lợi thế của thức ăn chăn nuôi và thức ăn vật nuôi, đồng thời điều hướng các cải tiến về quy định có thể tạo thuận lợi cho thương mại. Song song với những nỗ lực này là các buổi thảo luận do AFIA tài trợ nhằm giúp nhà sản xuất chăn nuôi Việt Nam cải thiện các nỗ lực quản lý thức ăn chăn nuôi và an toàn sinh học. Việt Nam đã hoan nghênh và Mỹ nên tận dụng cơ hội này.