Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ hai trên thế giới
Mới đây Quỹ kinh tế mới (NEF) của Anh vừa công bố top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong đó Việt Nam xếp thứ 2 sau Costa Rica.
Daily Mail đưa tin, xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới dựa trên chỉ số HPI (Happy Planet Index). Chỉ số này không căn cứ vào sự giàu có mà dựa theo mức tuổi thọ của người dân, độ hài lòng của người dân và chỉ số môi trường.
Để biên soạn dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã trực tiếp tiến hành phỏng vấn người dân ở 151 quốc gia trên thế giới về quan điểm của họ.
Về sự hài lòng, thoải mái của người dân: Chỉ số này được đánh giá bằng cách sử dụng các câu hỏi gọi là “Thang cuộc sống” từ Tổ chức điều tra thế giới Gallup World Poll. Người dân sẽ trả lời các câu hỏi theo thang điểm từ 0-10, trong đó số 0 là cuộc sống tồi tệ nhất và số 10 đại diện cho cuộc sống tốt nhất.
Về tuổi thọ: NEF lấy dữ liệu từ báo cáo phát triển con người UNDP năm 2011.
Về chỉ số môi trường sống: NEF dựa trên đánh giá mức độ tiêu thụ tài nguyên tại mỗi quốc gia do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ghi nhận.
Hai yếu tố đầu tiên trực tiếp biểu thị cuộc sống hạnh phúc, còn yếu tố thứ 3 được coi là để duy trì hạnh phúc bền vững, nghĩa là một đất nước có thể nuôi sống công dân của mình mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ bên ngoài.
Trong top 10 các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, duy nhất Việt Nam là nước ngoài khu vực Mỹ Latin. Các nước trong top 10 còn lại là Colombia, Belize, El Salvador, Jamaica, Panama, Nicaragua, Venezuela và Guatemala. Nam Mỹ là nơi được đánh giá có nhiều quốc gia hạnh phúc. Bốn trong số năm nơi hạnh phúc nhất trên đang ở khu vực này đứng vị trí số 1, số 3, số 4 và số 5. Chad và Botswana là 2 quốc gia có chỉ số hạnh phúc tồi tệ nhất ở châu Phi.
Một điều kỳ lạ là các nước phương Tây có chỉ số HPI rất thấp, tức là người dân cảm thấy không hạnh phúc lắm với điều kiện sống. Theo chỉ số này, Anh xếp 41, Pháp xếp 50, Tây Ban Nha xếp 62, Canada xếp 65, Úc xếp 76 và Mỹ xếp tận 105.
Năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 12 nhưng đến 2009 đã nhảy lên top 5. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 2 và tiếp tục duy trì vị thế này cho đến nay.
HPI được xem là cách đánh giá mức độ sống của người dân ở mỗi quốc gia tốt hơn các chỉ số như GDP (Tổng sản phẩm nội địa) hay HDI (Chỉ số phát triển con người). Những khác biệt thể hiện qua HPI cho thấy, con người vẫn có thể sống thọ và hạnh phúc nhưng tác động đến môi trường ít hơn.
Trực tiếp phiên toà phúc thẩm xét xử bầu Kiên và đồng phạm