Được hình thành từ những hạt bụi của sao chổi Halley – thiên thể được biết đến và quan sát từ thời cổ đại, mưa sao băng Bảo Bình (Eta Aquarids) là một trận mưa sao băng khá lớn, thường xảy ra từ 29/4 đến 28/5 hàng năm, đạt cực đại vào đêm ngày 6, rạng sáng này 7/5.
Ở thời điểm cực đại, mưa sao băng Bảo Bình có thể lên tới 60 vệt băng/giờ. Tuy nhiên, tần suất này chỉ có thể quan sát được ở các vùng thuộc Nam bán cầu. Ở Bắc bán cầu, trong đó có Việt Nam, chỉ quan sát được tối đa khoảng 30 vệt băng/giờ.
Năm nay, điều kiện thời tiết ở hầu hết các vùng trên cả nước tương đối thuận lợi để quan sát mưa sao băng Bảo Bình khi trời ít mây, không mưa hoặc chỉ mưa vài nơi. Tuy nhiên, thời điểm cực đại năm nay lại trùng với thời kỳ trăng tròn nên việc quan sát sẽ bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.
Mưa sao băng Bảo Bình sẽ xuất hiện vào đêm thứ Tư, rạng sáng thứ Năm tuần này. - Ảnh minh họa. |
Người quan sát nên chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn, thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm. Các vệt băng có xu hướng tỏa ra từ chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể xuất hiện từ bất cứ đâu trên bầu trời.
Sau mưa sao băng, ngay tối thứ Năm tuần này, người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng lần siêu trăng thứ 4 và là lần siêu trăng cuối cùng của năm. Mặt Trăng dự kiến sẽ lớn hơn và sáng hơn bình thường khoảng 15-30%. Lần siêu trăng này đạt cực đại vào 17:45 chiều thứ Năm (7/5), theo giờ Việt Nam.
Lần trăng tròn này được những bộ tộc châu Mỹ bản địa thời xưa gọi là Trăng Hoa (Full Flower Moon) bởi đây là khoảng thời gian những bông hoa mùa xuân xuất hiện nhiều nhất. Lần trăng này còn được biết đến với tên gọi là Trăng Trồng ngô (Corn Planting Moon) và Trăng Sữa (Milk Moon).
Đây cũng sẽ là lần siêu trăng cuối cùng trong số bốn lần siêu trăng của năm 2020, phải chờ đến năm 2021, người yêu thiên văn mới tiếp tục được chiêm ngưỡng siêu trăng.