Việt Nam đang sử dụng điện ảnh như một công cụ ngoại giao “mềm” nhằm đưa hình ảnh đất nước vươn ra thế giới. Trong khuôn khổ chiến lược này, các đại diện từ ngành du lịch và điện ảnh Việt Nam gần đây đã đến thăm Hollywood để quảng bá đất nước như một điểm đến hấp dẫn và sôi động đối với các nhà làm phim.
Mục tiêu của họ là truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trên toàn thế giới để giới thiệu cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú của Việt Nam. Bằng cách chuyển hướng ống kính điện ảnh đến vẻ đẹp và sự đa dạng thay vì tập trung chủ yếu vào các câu chuyện chiến tranh, Việt Nam mong muốn đem lại một hình ảnh mới mẻ tới bạn bè quốc tế và khuyến khích nhiều du khách hơn trải nghiệm những điều độc đáo của đất nước hình chữ S.
Tác giả Larry Berman, người đã viết nhiều cuốn sách về Việt Nam, cho biết rằng ông không nghĩ Hollywood sẽ ngừng làm phim về chiến tranh Việt Nam, bởi người Mỹ vẫn đang cố gắng hiểu rõ về sự phức tạp của cuộc xung đột ấy. Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, chỉ ra thành công của bộ phim “Kong: Skull Island”, được quay một số phân cảnh ở Vịnh Hạ Long như một ví dụ về việc điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu về du lịch và vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam tới khán giả toàn cầu.
Cảnh quan tuyệt đẹp, văn hóa sôi động và lịch sử phong phú của Việt Nam đang đứng ở vị trí hàng đầu trong những nỗ lực mới nhất nhằm thu hút các nhà làm phim mới. Việc quảng bá du lịch điện ảnh phù hợp cùng với chiến lược rộng lớn của Việt Nam cho thấy sự đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tăng cường sức mạnh mềm văn hóa trên trường quốc tế.
Phiên bản phim truyền hình ngắn của HBO chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của tác giả Nguyễn Thanh Việt có tên “The Sympathiser”, là đại diện cho sự đột phá so với các bộ phim chiến tranh truyền thống. Các đoạn đối thoại tiếng Việt xuất hiện xuyên suốt với phụ đề tiếng Anh, và bộ phim đi sâu vào các chủ đề về bản sắc, văn hóa và cảnh quan của Việt Nam.
Tuy cảnh quan của Việt Nam đặc biệt thu hút sự chú ý, song ngành công nghiệp điện ảnh của đất nước vẫn đang phải đối mặt với những thách thức do thiếu cơ sở hạ tầng và các quy trình hợp lý.
Như một tín hiệu gửi đến Hollywood, các bộ phim Việt Nam như “Mai”, “Đất rừng phương Nam” và “A Tourist's Guide to Love” đã làm nổi bật những chủ đề khác ngoài nỗi đau chiến tranh một cách xuất sắc.
Nhiều người hy vọng Hollywood sẽ đón nhận những câu chuyện mới, qua đó tiếp cận truyền thống văn hóa sâu sắc và cảnh quan tuyệt đẹp của Việt Nam.