Cũng theo nghiên cứu mới này, số lượng người hút thuốc lá hiện đang ở mức cao nhất mọi thời đại với 1,1 tỷ người. Hút thuốc lá đã giết chết gần 8 triệu người vào năm 2019 và số người hút thuốc tăng lên do thói quen này được giới trẻ trên khắp thế giới chấp nhận.
Mặc dù tỷ lệ hút thuốc đã giảm trên toàn cầu trong ba thập kỷ qua, nhưng tỷ lệ này tăng mạnh đối với nam giới ở 20 quốc gia và đối với phụ nữ ở 12 quốc gia.
Có 10 quốc gia chiếm 2/3 số người hút thuốc trên thế giới: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Nga, Bangladesh, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Philippines. Đặc biệt, cứ ba người hút thuốc lá thì có một người (341 triệu người) sống ở Trung Quốc.
Nhóm tác giả của nghiên cứu cho biết các chính phủ cần tập trung vào việc giảm hút thuốc ở những người trẻ tuổi, vì 89% những người mới hút thuốc đã bị nghiện ở độ tuổi 25 nhưng ngoài độ tuổi đó khó có khả năng tập hút.
“Những người trẻ tuổi đặc biệt dễ bị nghiện và với tỷ lệ cai nghiện cao vẫn còn khó nắm bắt trên toàn thế giới, dịch bệnh thuốc lá sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới trừ khi các quốc gia có thể giảm đáng kể số lượng người hút thuốc mới mỗi năm", bà Marissa Reitsma - tác giả nghiên cứu, cho biết.
Năm 2019, hút thuốc có liên quan đến 1,7 triệu ca tử vong do thiếu máu cơ tim, 1,6 triệu ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 1,3 triệu ca tử vong do ung thư khí quản, phế quản và phổi, và gần 1 triệu ca tử vong do đột quỵ.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ít nhất một nửa số người hút thuốc lâu năm sẽ chết vì những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến thói quen này và những người hút thuốc có tuổi thọ trung bình thấp hơn 10 năm so với những người không hút.
Theo nghiên cứu, một nửa số quốc gia không đạt được tiến bộ nào trong việc ngừng sử dụng thuốc lá ở những người từ 15 đến 24 tuổi và độ tuổi trung bình bắt đầu hút là 19.
Mặc dù 182 quốc gia đã ký công ước năm 2005 về kiểm soát thuốc lá, việc thực thi các chính sách để giảm hút thuốc lá vẫn còn rất khác nhau. Các nhà nghiên cứu cho biết đánh thuế là chính sách hiệu quả nhất nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa giá một gói thuốc lá ở các nước phát triển và các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Vin Gupta, cho biết cần phải có cam kết mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề hút thuốc, cũng như các sản phẩm như thuốc lá có hương vị và thuốc lá điện tử.
“Mặc dù có nhiều tiến bộ ở một số quốc gia, sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá và cam kết chính trị yếu kém đã dẫn đến khoảng cách lớn và dai dẳng giữa kiến thức và hành động về kiểm soát thuốc lá toàn cầu", ông Gupta nói. “Các lệnh cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ phải mở rộng đối với các phương tiện truyền thông trên internet".