Việt Nam tiếp tục là thành viên chủ động, tích cực, trách nhiệm và sáng tạo trong ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chủ trì cuộc họp liên ngành tổng kết hợp tác ASEAN, sự tham gia của Việt Nam trong năm 2023 và phương hướng năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Gần 80 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành đã tham gia Hội nghị

Điểm lại các hoạt động của ASEAN trong năm qua, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định: ASEAN tiếp tục có một năm 2023 thành công với nhiều dấu ấn nổi bật. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh ASEAN chịu tác động mạnh từ rất nhiều biến động phức tạp, khó lường của môi trường quốc tế và khu vực.

Trước sự vận động đan xen của các cơ hội và thách thức, ASEAN đã chứng tỏ khả năng linh hoạt thích ứng, từng bước điều chỉnh để chủ động nắm bắt và tận dụng các xu hướng mới phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Các sáng kiến, khuôn khổ như Chiến lược trung hòa carbon, Khung kinh tế biển xanh ASEAN, Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, hệ sinh thái xe điện ở khu vực là những bước chuyển hướng sáng tạo của ASEAN, cả trong tư duy và hành động, nhằm định hình và dẫn dắt các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới ở khu vực. Đây chính là các tiền đề quan trọng cho ASEAN vươn tầm và bứt phá trong tương lai, như thông điệp, khát vọng mà Chủ tịch Indonesia 2023 và các nước ASEAN đã chuyển tải trong chủ đề "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng".

Một kết quả nổi bật khác trong năm 2023 là việc ASEAN cơ bản hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 với định hướng xây dựng một ASEAN năng động, sáng tạo, tự cường và lấy người dân làm trung tâm.

Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng ghi nhận những phát triển mạnh mẽ và thực chất trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, trong đó có việc ASEAN thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản, nâng cấp lên đối tác chiến lược với Canada. Vai trò, tiếng nói, vị thế của ASEAN được củng cố nhờ cách tiếp cận và ứng xử cân bằng, trách nhiệm và khách quan của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực, trên cơ sở nhất quán lập trường nguyên tắc và nỗ lực đóng góp thiện chí, thực tâm cho mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển ở khu vực và thế giới.

Tổng kết sự tham gia của Việt Nam của năm qua, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt hoan nghênh các bộ, ngành đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, sáng tạo, đóng góp thiết thực cho thành công của ASEAN, có ý nghĩa quan trọng đối với thành tựu đối ngoại chung của đất nước.

Việt Nam tiếp tục là thành viên chủ động, tích cực, trách nhiệm và sáng tạo trong ASEAN ảnh 1

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Các quan điểm, đề xuất, sáng kiến của Việt Nam đáp ứng quan tâm và lợi ích chung của các nước và khu vực, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường hợp tác và liên kết khu vực, khẳng định hình ảnh một Việt Nam hòa hiếu và hữu nghị, xây dựng và trách nhiệm, luôn nỗ lực hết mình vì công việc chung của Cộng đồng.

Chia sẻ các kết quả của ASEAN, đại diện các bộ, ngành cho biết hợp tác chính trị-an ninh góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh thuận lợi cho phát triển; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư củng cố nền tảng vững chắc trong quan hệ giữa các quốc gia, duy trì vị trí trung tâm của ASEAN trong mạng lưới liên kết đa phương ở khu vực; hợp tác văn hóa-xã hội làm sâu sắc tinh thần gắn bó, đùm bọc, chia sẻ, hướng tới hiện thực hóa phát triển đồng đều và bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các ưu tiên, chương trình và kế hoạch hành động tiếp tục được triển khai theo đúng lộ trình, mang lại kết quả quan trọng trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp, thương mại, tài chính, du lịch, khoa học và công nghệ, lao động, môi trường, giáo dục, công vụ, văn hóa, giao lưu nhân dân, thanh niên…

Trong kết quả chung của ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, hoàn thành tốt các nghĩa vụ thành viên trong triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng, chủ trì nhiều sáng kiến, hoạt động, và đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách như Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quản lý Thiên tai ASEAN, Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN về giáo dục, Hội nghị Quan chức Cao cấp về phúc lợi xã hội và phát triển, đồng chủ trì Nhóm Công tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng về gìn giữ hòa bình… Nhiều ý tưởng của Việt Nam như Bộ Chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp đã được lan tỏa, trở thành dự án chung của ASEAN.

Cũng tại cuộc họp, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao và là Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN, đã cập nhật thông tin cho các bộ, ngành về việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 59-KL/TW ngày 8/8/2023 về định hướng tham gia ASEAN của Việt Nam đến năm 2030. Đây là văn bản chỉ đạo toàn diện đầu tiên của Bộ Chính trị về sự tham gia của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 nhằm thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của ASEAN, định hướng nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN, bảo đảm tham gia ASEAN mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, địa phương và doanh nghiệp.

Nhiều nhóm giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ, trong đó có việc rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao cơ chế phối hợp liên bộ, ngành, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các bộ phận phụ trách ASEAN tại các bộ, ngành.

Trên cơ sở đó, cuộc họp nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Quy chế 142 về hoạt động và phối hợp giữa các cơ quan tham gia ASEAN trên cơ sở tiếp nối và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Các đại biểu đã trao đổi sâu rộng về các định hướng, ưu tiên, trọng tâm tham gia ASEAN trong năm 2024, nhất trí tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm trong tham gia hợp tác ASEAN, phối hợp và hỗ trợ ủng hộ Chủ tịch Lào trong năm ASEAN 2024 với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường", đóng góp xây dựng các Chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, tiếp tục lồng ghép, thúc đẩy các vấn đề thuộc ưu tiên và quan tâm của Việt Nam.

Phát biểu bế mạc cuộc họp, về các công việc thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp cùng Bộ Ngoại giao sớm hoàn thiện kế hoạch tổng thể tham gia ASEAN trong năm 2024, tổ chức thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN nhằm chia sẻ ý tưởng về sự phát triển của ASEAN, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN của Việt Nam đến năm 2030, trong đó có kiện toàn bộ máy, hoàn thiện các quy chế, quy trình phối hợp trong tham gia ASEAN, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ASEAN của Việt Nam, xứng tầm với nhiệm vụ và tình hình mới./.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.