Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank; HoSE: VCB) vừa công bố ước tính lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2017 của ngân hàng mẹ đạt 11.018 tỷ đồng (tăng trưởng 33,76%). Kết quả này nhìn chung sát với dự báo của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HoSE: HSC) với LNTT hợp nhất là 11.144 tỷ đồng (tăng trưởng 30,8%). LNTT tăng tốt nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng 17,8% và chí phí dự phòng giảm 3,4%.
Cho vay khách hàng tăng trưởng 17,2% đạt 540 nghìn tỷ đồng, và nếu tính cả đầu tư trái phiều doanh nghiệp, tổng tín dụng cũng tăng 17,2% đạt 553 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tiếp tục tăng trưởng mạnh ở phân khúc khách hàng cá nhân với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Cuối năm 2017, cho vay khách hàng cá nhân chiếm 40,8% tổng dư nợ, so với tỷ trọng 33,1% cuối năm 2016.
Một số chỉ tiêu tài chính của Vietcombank. Ảnh: Vietcombank |
Tổng huy động, gồm giấy tờ có giá tăng trưởng 20,6% đạt 724,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, huy động từ doanh nghiệp tăng 19,6% và huy động từ khách hàng cá nhân tăng 21,9%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn là 29,4% (năm 2016 là 28,4%). Xét về loạn tiền gửi, tiền gửi bằng USD tăng trưởng 17,6%, chiếm 18,2% tổng tiền gửi khách hàng (năm 2016 chiếm 19,3%).
Ngân hàng cho biết, tỷ lệ NIM (lãi cận biên) là 2,47% so với mức 2,64% trong năm 2016. Chúng tôi hiện không có đủ thông tin cụ thể về cơ cấu tỷ lệ NIM. Nhưng chúng tôi nhận thấy huy động tăng trưởng mạnh hơn tín dụng, do đó hệ số LDR giảm là một trong những nguyên nhân tác động giảm tỷ lệ NIM.
Tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 17,8% đạt 28.867 tỷ đồng, gồm 21.593 tỷ đồng (tăng trưởng 18,2%) thu nhập lãi thuần, và 7.275 tỷ đồng (tăng trưởng 16,6%) thu nhập ngoài lãi.
Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) ước tính là khoảng 40,4% với chi phí hoạt động tăng 17,9% lên 11.662 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của VCB tiếp tục giảm xuống mức 1,11% (cuối năm 2016 tỷ lệ này là 1,48%).
Trong năm 2017, VCB đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương và Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng, 2/3 cổ phần sở hữu tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) theo đó ghi nhận khoảng 225 tỷ đồng lợi nhuận từ thoái vốn. Trong năm 2018, VCB có kế hoạch bán số cổ phần còn lại tại OCB, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HoSE: EIB) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (HoSE: MBB).
Như HSC đã đề cập gần đây, lợi nhuận từ thoái vốn tại tất cả 5 tổ chức tín dụng này sẽ thúc đẩy lợi nhuận của VCB tăng đáng kể, đóng góp tới 2.450 tỷ đồng. Một phần nhỏ hơn khoảng 225 tỷ đồng có thể đã được ghi nhận trong năm 2017, tác động tăng 2,3% dự báo LNTT năm 2017 của HSC. Phần lớn lợi nhuận từ thoái vốn, khoảng 2.200 tỷ đồng sẽ thúc đẩy tăng 16,9% dự báo của HSC LNTT năm 2018 của VCB
Cho năm 2018, HSC dự báo LNTT tăng trưởng 33,74%, đạt 14.906 tỷ đồng. Dự báo của HSC bao gồm lợi nhuận từ thoái vốn tại EIB và MBB.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VCB đã bắt đầu tăng kể từ tháng 10 năm ngoái khi Ngân hàng này thông báo kế hoạch cụ thể về việc thoái vốn tại 5 tổ chức tín dụng. Kể từ đó, giá cổ phiếu đã tăng mạnh xấp xỉ 50%. HSC cho rằng kỳ vọng về lợi nhuận không thường xuyên từ thoái vốn đã được phản ánh vào giá và giá cổ phiếu hiện đã phản ánh hầu hết giá trị.
Biểu đồ giá cổ phiếu VCB. Ảnh: VnDirect |
Dù vậy, HSC nhận định câu chuyện tăng trưởng dài hạn vẫn rất tiềm năng. Tiềm năng tăng trưởng của VCB là rất lớn. Trở ngại duy nhất đối với tăng trưởng là hạn mức tín dụng mà NHNN cấp cho Ngân hàng.
HSC chỉ ra rằng cho vay bán lẻ tăng trưởng mạnh nhờ tình hình tài chính tốt hiện là động lực chính cho tăng trưởng của Ngân hàng và dự báo mảng này sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của Ngân hàng trong vài năm tới.
Theo Nhịp cầu Đầu tư