Phát biểu tại lễ ra mắt vắc xin, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vắc xin zona thần kinh (giời leo) được hãng dược phẩm GSK (Bỉ) đưa vào sử dụng trên thế giới từ năm 2017.
Đến nay, vắc xin này đã được phê duyệt và sử dụng ở hơn 50 nước, trong đó nhiều nước đã đặt hàng số lượng lớn để đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia cho toàn dân như vương quốc Anh, Úc, Hy Lạp, Canada, Đức, Ý, New Zealand,...
Nhiều người dân đến tiêm vắc xin zona thần kinh tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo |
Vắc xin được sản xuất theo công nghệ bất hoạt, tái tổ hợp và chứa dược chất đặc biệt giúp tăng hiệu quả trên người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch do bệnh lý. Vắc xin có hiệu quả phòng ngừa zona thần kinh lên đến 97% ở người từ 50 tuổi và đến 87% trên người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý. Đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%.
Vắc xin được chỉ định cho người lớn từ 50 tuổi trở lên và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh như người bị suy giảm miễn dịch, bị ức chế miễn dịch hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch do bệnh lý hoặc các thuốc điều trị. Về phác đồ tiêm chủng, người từ 50 tuổi trở lên có hệ miễn dịch bình thường tiêm 2 mũi cách nhau 2 tháng. Người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.
Bà Bùi Thị Thanh Hải (72 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) đến VNVC tiêm vắc xin zona thần kinh. Ảnh: Mộc Thảo |
Đến VNVC tiêm vắc xin zona thần kinh, bà Bùi Thị Thanh Hải (72 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết từng bị thủy đậu và mắc bệnh zona thần kinh vào 3 năm trước. Mỗi năm, bệnh đều tái phát vào tháng 9 hằng năm, mụn nước mọc ở nhiều vùng cơ thể như trán, môi, mắt gây đau nhức dữ dội kéo dài. Năm ngoái, mụn nước lan lên mắt phải gây sưng to như trứng gà khiến bà suy giảm thị lực không hồi phục.
“Mỗi lần tái phát bệnh là tôi rất ám ảnh, không thể ăn ngủ được. Biết VNVC có vắc xin tôi mừng lắm nên đi tiêm ngay, bệnh này phức tạp chứ không chỉ là bệnh ngoài da”, bà Hải chia sẻ.
Chia sẻ về yếu tố thúc đẩy mắc bệnh zona thần kinh, PGS.TS.BS. Hoàng Thị Lâm, Trưởng khoa Miễn dịch lâm sàng BV Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, theo các nghiên cứu người có bệnh mạn tính có nguy cơ mắc zona, tái phát zona và gặp biến chứng đau thần kinh sau zona cao hơn từ 20-40% so với dân số chung. Ví dụ bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có nguy cơ mắc zona gần gấp đôi người không mắc, bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ mắc zona lên đến 34%. Đau thần kinh sau zona cũng có nguy cơ tăng mạnh theo tuổi, nhất là trong độ tuổi 50-79. Ngoài ra, người thường xuyên căng thẳng tâm lý có nguy cơ mắc bệnh Zona cao hơn 47% so với người bình thường. Tại Việt Nam, các bệnh viện cũng ghi nhận zona thần kinh có xu hướng gia tăng sau đại dịch Covid-19 với hàng ngàn trường hợp gặp biến chứng, nhập viện mỗi năm.
Hệ thống xe lạnh đạt chuẩn GSP của VNVC đảm bảo cung ứng và vận chuyển các loại vắc xin đảm bảo an toàn, chất lượng, không lo khan hiếm hàng nhằm phục vụ người dân Việt Nam. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM cho biết, việc tiêm phòng bệnh zona đã được khuyến cáo rộng rãi. Bộ Y tế Việt Nam đã đưa dự phòng bệnh zona thần kinh bằng vắc xin vào trong Hướng dẫn quốc gia về Chẩn đoán và Điều trị các bệnh da liễu 2023. Khuyến cáo tiêm phòng zona thần kinh cho các bệnh nhân có bệnh nền mạn tính cũng được đưa vào khuyến cáo tiêm chủng quốc gia và các hiệp hội chuyên ngành như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Hen, Đái tháo đường, Cơ xương khớp.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ với lợi thế là đối tác chiến lược toàn diện của hãng dược phẩm GSK trong nhiều năm liền, VNVC đã đặt hàng từ sớm với số lượng lớn và nỗ lực cùng nhà sản xuất đưa về số lượng lớn vắc xin để triển khai tiêm cho người dân Việt Nam. Vắc xin hiện đã có mặt tại gần 200 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên toàn quốc và VNVC là hệ thống tiêm chủng đầu tiên có vắc xin này.
Zona thần kinh là bệnh hậu thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Đây cũng là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu. Người nhiễm virus VZV lần đầu sẽ mắc bệnh thủy đậu. Sau khi khỏi bệnh, virus này không bị tiêu diệt hoàn toàn mà trú ẩn trong các rễ hạch thần kinh và sẽ tái hoạt động gây bệnh zona thần kinh khi gặp điều kiện thuận lợi như tuổi cao, suy giảm miễn dịch, căng thẳng, suy nhược cơ thể, sau phẫu thuật, điều trị ung thư, mắc các bệnh lý nền như tim mạch, hen suyễn, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, cơ xương khớp… Bất kỳ ai đã từng bị thủy đậu đều có thể bị zona thần kinh.