Ít người biết rằng trước khi về với Bamboo Airways, ông Thành đã có hơn nửa sự nghiệp làm việc trong môi trường Nhà nước, kinh qua rất nhiều vị trí và chức vụ như Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Mặt đất sân bay Việt Nam, Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Dịch vụ Mặt đất Đà Nẵng, Giám đốc Dịch vụ Hãng hàng không Cambodia Angkor Air, Trưởng Trung tâm điều hành Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Tân Sơn Nhất...
“Bản thân ưa vận động không ngừng, tôi khó tưởng tượng ra cảnh ngồi ở một vị trí nào đó trong Nhà nước suốt 25 năm trời. Nếu không cẩn thận, sức ì ăn sâu vào nền nếp suy nghĩ, làm đình trệ sự sáng tạo của bộ óc”, ông Thành nói.
Trước khi về với Bamboo Airways, ông Trương Phương Thành đã có hơn nửa sự nghiệp làm việc trong môi trường Nhà nước, kinh qua rất nhiều vị trí quan trọng. |
Nhưng sau nhiều môi trường làm việc cả trong và ngoài nước, ông cho biết vẫn luôn tìm kiếm một yếu tố gì đó mới mẻ, đủ để khiến ông cảm thấy phấn khích, muốn dốc lòng phụng sự trong nửa sau của sự nghiệp.
“Ngồi bên chén trà, bạn bè vẫn hỏi sao lại bỏ vị trí cũ, chỗ mà dạn dày như tôi, chắc chỉ có lên chứ không có xuống, thảnh thơi hưởng thụ cho đến khi về hưu. Còn gia đình, họ hàng thì can ngăn đến hàng tháng trời. Nhưng an phận thụ động chưa bao giờ là bản chất con người tôi”, ông nói.
“Chọn cột cờ”
Nét tính cách này bộc phát từ khi ông còn là một chuyên viên bình thường ngày đầu lập nghiệp.
“Không phải làm hàng không là tôi làm sếp luôn đâu, cũng từ công việc chân tay đi lên. Nhưng làm chuyên viên phòng cân bằng trọng tải được 6 tháng, tôi thấy bản thân cần một sự bứt phá, một sự đột biến. Có câu so bó đũa chọn cột cờ, mà mình muốn đảm đương trách nhiệm cột cờ thì hiệu quả công việc của mình phải nổi bật”.
Một ngày, ông lên gặp Giám đốc Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất thời bấy giờ là ông Phạm Viết Thanh (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh- PV), vào trình bày những bất cập mà ông nhận thấy về cơ chế lương theo cấp bậc “cào bằng” như hiện tại, đồng thời đưa ra phương hướng giải quyết.
“Từ một chuyên viên quèn, tôi được anh Thanh chỉ định làm đội trưởng của một tổ thực hiện đề án được thành lập cấp tốc chỉ trong một tuần. Cuối cùng, tôi và đội đã nghiên cứu và xây dựng lại bảng lương cho cả công ty chỉ trong một tháng. Từ đó, tôi bắt đầu được ban lãnh đạo chú ý và huy động cho các nhiệm vụ mới”, ông kể và nhấn mạnh, “mọi thành công đều xuất phát từ nỗ lực, không có cái gọi là bữa trưa miễn phí”.
Trước câu hỏi về “tố chất” để có thể đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhiều vị trí, nhiều lĩnh vực, ông Thành nói về một yếu tố mà đến giờ vẫn ông vẫn tuân thủ.
“Ham học hỏi, nhiệt huyết và đam mê với điều mình làm. Công việc có mới đến mấy, nếu chịu khó tìm hiểu, đọc qua sách vở, học hỏi người khác, thì cũng sẽ nắm bắt được. Đương nhiên muốn làm tất cả những điều đó thì trước tiên cần một nền tảng kiến thức vững, mà đó là điều phải trau dồi qua rất nhiều năm, trong trường học và cả trên trường đời”.
Bí quyết duy nhất
Đó là câu chuyện về xử lý công việc, còn đối với vai trò lãnh đạo, điều ông đánh giá khó khăn nhất là “quản lý con người”. Ông Thành từng quản lý những đơn vị chỉ vài chục người, rồi lên đến vài trăm, và chỉ cách đây vài tháng là gần 5.000 người.
“Hỏi có bí quyết gì để lãnh đạo tốt, thì chắc chỉ có duy nhất một bí quyết thôi, là sự tôn trọng. Mình tôn trọng họ, họ mới tôn trọng mình. Mình đấu tranh vì quyền lợi cho họ, họ mới dốc sức vì mình, vì đơn vị”, ông bộc bạch.
Với ông Thành, bí quyết để quản lý con người tốt là sự tôn trọng |
Cách đây 8 năm, một nhân viên “cứng” của ông từng xin nghỉ việc để sang công ty đối thủ. “Lẽ thường là bạn phải tức giận, phải lôi kéo, lôi kéo không được thì phải đe nẹt, dọa nộp phạt thật nặng đúng không. Nhưng tôi không chọn vậy”, ông nhớ lại.
Sau khi nghe nhân viên trần tình về nguyên nhân muốn đổi việc, về cơ hội và tiềm năng phát triển của mình ở đơn vị mới, ông thậm chí chúc mừng và làm việc với bộ phận nhân sự để tạo điều kiện bàn giao công việc sớm cho nhân viên này.
“Khi ở đây, cậu ta đã hết lòng vì công việc. Giờ cậu ta tìm được một cơ hội mới tốt đẹp để phát triển sự nghiệp, tôi thật lòng thấy mừng cho cậu ta. Đến giờ thỉnh thoảng gặp lại, anh này vẫn nhắc lại chuyện cũ và cảm ơn tôi”, ông kể.
Môi trường nhân văn
Nói về yếu tố thực sự có tính bước ngoặt để ông đưa ra quyết định về với Bamboo Airways, ông im lặng suy nghĩ một chút, rồi kể về ngày đầu gặp người tạo lập Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi về con người này là vẻ ngoài rất trẻ và trò chuyện cởi mở. Nhưng khi bàn sang công việc, ánh mắt ông toát lên sự cương nghị và quyết liệt khiến tôi ngạc nhiên. Và sau khi nghe ông Quyết nói về triết lý kinh doanh, về kế hoạch cho hãng, thì tôi chuyển sang phục và bị thu hút”, ông nhớ lại điều đã giúp quyết định khó khăn của ông trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Với ông Thành, Bamboo Airways là một môi trường đầy sự nhân văn |
Mọi người hay truyền tai nhau về guồng quay công việc bận rộn khi làm tại doanh nghiệp tư nhân, nhưng ông Trương Phương Thành cho biết, điều ông cảm thấy hiện diện rõ nhất ở Bamboo Airways lại là sự nhân văn.
“Sẽ khó để kiếm được một doanh nghiệp lớn mà người đứng đầu dám bảo đảm bạn sẽ có mọi điều kiện hỗ trợ để làm việc một cách tốt nhất, thoải mái nhất. Cũng khó có tập đoàn đa ngành nào mà bạn trình kiến nghị lên Chủ tịch về một vấn đề quan trọng qua điện thoại, mà được chấp nhận và đưa vào triển khai chỉ trong vài phút. Cái khác biệt lớn nhất ở Bamboo Airways là tốc độ. Đó thực sự là một guồng quay rất nhanh và chuyên nghiệp”, ông Thành chia sẻ.
Đây cũng từng là yếu tố khiến ông Eddy Doyle – cựu lãnh đạo Air Canada, hiện là Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, quyết định gia nhập hãng.
“Khi liên hệ với Bamboo Airways, tôi lập tức nhận ra đây chính là nơi làm việc hoàn hảo dành cho mình, và cũng là công việc mà tôi mong muốn được làm”, ông Eddy Doyle từng kể.
Định hướng 5 sao
Nhưng bên cạnh tốc độ nội tại, đầu tư vào hàng không chưa bao giờ là điều dễ dàng.
“Nhìn ra thế giới, đâu là khu vực có nhiều hãng hàng không 5 sao nhất? Là Trung Đông, là châu Á. Nước Mỹ thịnh vượng có ngành hàng không gạo cội bậc nhất, nhưng lép vế về khoản này. Vì cái làm nên tiêu chuẩn 5 sao, lớn nhất là dịch vụ, rồi đến các tiện ích. Mà văn hóa Mỹ thì không thể so với văn hóa Trung Đông và châu Á chúng ta về dịch vụ”, ông Trương Phương Thành nói.
Bạn có thể nhìn thấy một tiếp viên của Emirates khom chân chăm sóc một em bé trên khoang cả chuyến bay đêm, một nhân viên thủ tục của Japan Airlines điền form mẫu ưu tiên cho toàn bộ khách cao tuổi lên chuyến bay hôm đó, nhưng bạn hầu như không thể nhìn thấy điều này ở ngành hàng không Mỹ. “Đây cũng là điều mà mọi nhân viên của Bamboo Airways được đào tạo, truyền đạt thấm nhuần từ những ngày đầu tiên gia nhập”.
“Mỗi hành động của từng con người Bamboo Airways đều nhắm tới việc tối đa hóa chất lượng phục vụ và trải nghiệm khách hàng. Với Bamboo Airways, sự hiếu khách là then chốt phát triển”, ông nhấn mạnh.
Với ông Thành, sự hiếu khách là then chốt phát triển của Bamboo Airways |
“Chúng tôi kỳ vọng trong khoảng 3 đến 5 năm tiếp theo, Bamboo Airways sẽ là thương hiệu hàng không khiến khách hàng cảm thấy ấm lòng khi nhắc đến, và là lựa chọn đầu tiên của cả khách hàng Việt Nam và khu vực khi lên kế hoạch du lịch tại Việt Nam”, vị Phó Tổng Giám đốc kết lại.