Sở không ký hợp đồng với Công ty Ngôi Nhà Xanh
Theo Sở GDĐT TP.HCM, đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn được triển khai từ năm 2014.
Quá trình này gặp nhiều khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và các giải pháp công nghệ tại thời điểm ban đầu sử dụng bằng Thẻ SSC – Đề án thẻ học đường (giống thẻ ATM) không hiệu quả do hạn chế về công nghệ, hạn chế ngân hàng tham gia nên chưa đáp ứng được mục tiêu.
Đến năm 2019-2020, UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương cho phép tổ chức thí điểm triển khai “Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu” do Sở GDĐT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM xây dựng (không thu phí phần mềm) cho các đơn vị giáo dục trực thuộc các quận huyện.
Giải pháp này được áp dụng cho công tác quản lý các nguồn thu tại trường học, được chuẩn hoá nghiệp vụ kế toán và các chứng từ báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn hiện hành. Đây là công cụ dành cho bộ phận kế toán tài chính tại các trường học để dễ dàng quản lý nguồn thu, hoá đơn; loại bỏ các hình thức thủ công, viết tay.
Hiện nay, hệ thống quản lý nguồn thu được tích hợp dịch vụ với 40 đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán và doanh nghiệp Mobile Money, bao gồm: các ngân hàng thương mại, ví điện tử…. Các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và hoá đơn đủ điều kiện là: Công ty CP Văn hoá Ngôi Nhà Xanh, Công ty CP MISA và một số công ty khác.
Liên quan đến các vấn đề Ngày Nay đã nêu về Ban Đề án SSC và Công ty Cổ phần Văn hoá Ngôi Nhà Xanh, đại diện Sở GDĐT TP.HCM cho biết doanh nghiệp này chỉ là một trong các đơn vị tham gia đề án thanh toán không dùng tiền mặt; còn Ban Đề án SSC đã dừng hoạt động từ lâu, không họp hành, không triển khai, không báo cáo.
Thẻ học đường SSC (giống thẻ ATM) đã dừng triển khai, Ban đề án SSC dừng hoạt động. |
Sở GDĐT TP.HCM cho biết đã từng chấn chỉnh Công ty Ngôi Nhà Xanh, đồng thời cung cấp văn bản được ký ban hành cuối tháng 3/2023 cho thấy, đến nay Sở không ký kết bất cứ hợp đồng nào liên quan đến việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với doanh nghiệp này. Việc Công ty Ngôi Nhà Xanh tự ý dùng nội dung trong các công văn làm việc với Sở để gửi đến các đơn vị liên quan về khoản thu phí là không đúng thẩm quyền, trái pháp luật.
Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử www.thessc.vn thuộc sở hữu của Công ty Ngôi Nhà Xanh có sử dụng logo và địa chỉ email bandeanssc@thessc.vn được thành lập theo quyết định số 2246 ngày 30/11/2016 mà không có ý kiến chấp thuận của Sở là không đúng quy định.
Sở GDĐT đề nghị Công ty Ngôi Nhà Xanh thu hồi các công văn đã gửi cho các cơ sở giáo dục và các đối tác là các ngân hàng, dịch vụ thanh toán trung gian trên địa bàn thành phố và nhận trách nhiệm pháp luật nếu có phát sinh các thiệt hại về vật chất, vi phạm các quy định pháp luật về việc tự ý quy định các khoản phí dịch vụ thanh toán không thuộc thẩm quyền. Công văn phải được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin.
Ngoài ra, Sở còn yêu cầu doanh nghiệp này khẩn trương gỡ bỏ các logo của Sở và không sử dụng tên địa chỉ email bandeanssc để dùng cho tên giao dịch của công ty. Trong văn bản báo cáo gửi Sở, Công ty Ngôi Nhà Xanh cam kết thực hiện những yêu cầu.
Từ những thông tin trên có thể thấy, hiện nay, Công ty Ngôi Nhà Xanh chỉ là một trong các đơn vị tham gia vào đề án thanh toán không dùng tiền mặt, không đại diện cho Ban Đề án SSC, không đại diện cho Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM. Theo thông tin từ các trường, tháng 11 vừa qua, phụ huynh không đóng học phí qua mã QR của SSC; từ ngày 20/12/2023, SSC sẽ tạm ngưng để thực hiện quyết toán năm 2023.
Ngôi Nhà Xanh - đơn vị phát triển phần mềm SSC chỉ là một trong những đơn vị tham gia đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP.HCM. |
Sở GDĐT sẽ chấn chỉnh
Theo tài liệu do Sở GDĐT TP.HCM cung cấp, thời gian qua đơn vị này nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh học sinh, sinh viên liên quan phí dịch vụ thanh toán học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục với mức phí chưa phù hợp với điều kiện kinh tế.
Qua khảo sát, mức phí dịch vụ thanh toán phát sinh cho một giao dịch cao nhất là 22.500 đồng, thấp nhất là 5.000 đồng, bên cạnh đó có một số đơn vị hỗ trợ miễn phí. “Như vậy, hiện nay có chênh lệch lớn giữa các đơn vị tổ chức thực hiện, không khuyến khích được người tham gia”, theo công văn 1372 ngày 28/3/2023 của Sở GDĐT gửi các ngân hàng, trung gian thanh toán.
Sở đề nghị các ngân hàng, trung gian thanh toán xây dựng một biểu phí dịch vụ phù hợp và ổn định, có thể giảm đến mức thấp nhất hoặc miễn phí như các khoản thanh toán điện, nước, điện thoại hiện nay; đồng thời cam kết các nội dung nêu trên cho người dùng an tâm sử dụng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở GDĐT cho biết, quan điểm của Sở là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, học sinh. Đơn vị luôn chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thoả thuận thống nhất với các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán công khai về mức phí sử dụng dịch vụ, đa dạng hoá các kênh, không tạo lợi thế cho bất kỳ đơn vị nào…
Các trường chịu trách nhiệm xem xét, liên kết với các đơn vị tham gia đề án thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp để có lợi cho phụ huynh, học sinh. “Tới đây, Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị chấn chỉnh toàn bộ các vấn đề liên quan đến thu học phí không dùng tiền mặt, chứ không chỉ riêng gì SSC”, đại diện Sở khẳng định.
Tổng phí giao dịch rất lớn
Như đã thông tin, đến nay, có 700 trường học trên địa bàn TP.HCM sử dụng phần mềm SSC do Công ty Ngôi Nhà Xanh phát triển; có 24 ngân hàng và 19 Ví điện tử được liên kết. Dù là phần mềm dành cho bộ phận tài chính của các trường nhưng phụ huynh là người trả phí. Mức phí giao động từ 7.500 – 11.000 đồng/giao dịch, một vài ví điện tử tính theo tỷ lệ phần trăm.
Một số ngân hàng như Sacombank, VP Bank... không thụ hưởng phí giao dịch này mà được chuyển thẳng cho Công ty Ngôi Nhà Xanh. Hầu hết các ngân hàng, ví điện tử còn lại phân phối theo tỷ lệ 6:4, tức ngân hàng, ví điện tử hưởng 60% còn doanh nghiệp nhận 40%.
TP.HCM có khoảng 1,7 triệu học sinh. Nếu một triệu phụ huynh thực hiện đóng học phí mất phí 7.500 đồng/lần thông qua SSC thì mỗi tháng phí giao dịch là 7,5 tỷ đồng. Một năm học có 9 tháng, tổng phí giao dịch lên tới 67,5 tỷ đồng.