Theo thông tin đăng tải, vào lúc 8 giờ tối ngày 2/4, Trang đến quán trên và gọi cho mình 1 bát phở gà đùi, thêm 4 quả kê gà và 4 quả trứng non. Sau khi dùng bữa xong, Trang bị sốc khi chủ quán yêu cầu thanh toán với giá 300.000 đồng.
Bực dọc, cô gái trẻ yêu cầu người bán kê khai cụ thể giá từng món ăn, đồng thời dùng điện thoại để ghi lại cảnh đôi co giữa mình và chủ quán. Sau một lúc, Trang được người bán miễn cưỡng trả lại 40.000 đồng.
Tô phở 300.000 đồng gây tranh cãi - Ảnh chụp màn hình
Cô gái ăn bát phở 300 nghìn cho biết: “Cách đây khoảng 2, 3 tháng, tôi từng ăn phở gà ở đây. Khi đó, tôi gọi 2 bát phở đùi và thanh toán chỉ 120.000 đồng. Không lý nào ăn 1 bát với vài thứ đi kèm như vừa rồi, giá lại có thể đội lên hơn gấp đôi như thế”.
“Tối hôm 2/4, cô gái trẻ đến gọi một bát phở đùi gà, giá bình thường đã 50.000, thêm đùi xé vào phở, giá 150.000/đùi, 4 quả kê gà (ngoài chợ bán 150.000/lạng) và thêm tràng trứng, cộng lại với giá 300.000 là quá hợp lý. Tuổi trẻ bây giờ thật kỳ lạ, muốn ăn gà ngon, ăn hàng sang thì phải chịu chi tiền chứ! Cái dở của tôi trong việc này chính là đã không báo giá cụ thể, trước những yêu cầu của khách hàng, chứ không phải chặt chém như lời cô gái tố”, bà Phương - chủ quán phở trần tình.
Mục đích của việc chia sẻ câu chuyện của mình lên Facebook, cô gái trẻ tên Trang muốn cảnh báo mọi người trước khi đi ăn hàng nên hỏi giá cẩn thận, tránh rơi vào trường hợp như mình.
Ngay lập tức, bài đăng của cô gái nhận được khá nhiều phản hồi. Đa số ý kiến của dân mạng bức xúc với cách "chặt chém" của bà chủ quán phở.
Bạn Phong Nguyễn cho rằng: “Bà chủ quán nói không đúng, vài miếng thịt gà, 4 quả kê và trứng non mà gọi là ăn sang. Tô phở như vậy mà bán với giá 300.000 đồng thì đúng là quá chém với một quán ăn nhếch nhác, không đóng thuế cho nhà nước. Giá cả đó nếu ở trong nhà hàng 5 sao còn chấp nhận được”.
Nickname Richard Dang bức xúc nêu quan điểm:"Chính những người có suy nghĩ như bà Phương đang khiến ngành du lịch Việt Nam bị mất điểm trầm trọng trong mắt du khách. Một lần đến nước ta nhìn sản phẩm du lịch nhếch nhác, mất vệ sinh, người bán hàng chặt chémthử hỏi ai còn dám đến nữa”.
Trong khi đó, nickname Robin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, cho thấy sự đắt đỏ vô lý trong câu chuyện gây sốt mạng: “Tôi ăn phở gà Kỳ Đồng Q.3, TP.HCM, ăn tô phở gà đùi giá chỉ 38.000 đồng, thêm tô lòng, trứng non cũng thêm 40.000 đồng. Quán bà Phương đúng là giá quá đắt rồi”.
Song, cũng có không ít ý kiến thừa nhận họ vẫn ăn ở quán này thường xuyên với giá chỉ 50.000 đồng một bát phở đùi và giá 300.000 đồng cho một bát phở đùi đầy ắp thịt cùng nhiều thứ đi kèm đắt đỏ như kê gà, trứng non to bằng ngón chân cái… cũng là cái giá hợp lý.
Linh Chi bình luận: “Bạn gọi nguyên một cái đùi gà to như thế, tràng trứng rồi kèm thêm 4 quả kê gà, số tiền đó là đúng rồi bạn ơi. Bây giờ bạn ra chợ mua hết những thứ đó về nhà nấu, cũng tầm 250.000 rồi đấy!”
“Chỗ này mình ăn suốt 10 năm nay, giá chỉ 50.000 đồng một bát, thêm tràng trứng 50.000 nữa. Mình cũng không hiểu tại sao chủ quán ấy lại bán cho chị này như thế. Dù sao thì đây cũng là bát gà phở chứ đâu phải bát phở gà”, Văn Hoàng hoài nghi về thông tin chặt chém khách tại quán phở quen.
Không chỉ dừng lại ở những ý kiến đồng cảm, chia sẻ với nỗi ấm ức, nhiều người còn bình luận tiêu cực, cho rằng cô gái trẻ “ăn khỏe mà đòi giá mềm”, “làm quá câu like”, “thích nổi tiếng”…
Đứng trước những nhận xét khen - chê về hành động của mình, đặc biệt là sau lời trần tình của bà Phương về cái giá 300.000 đồng cho một tô phở đùi gà có thêm 4 kê gà và trứng non, Phạm Trang chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ riêng của mình.
“Trong lúc bức xúc tôi chỉ muốn chia sẻ câu chuyện của mình, để qua đây người đọc có ý thức cảnh giác, tránh gặp phải tình huống tương tự. Không ngờ, sự việc lại ầm ĩ đến vậy. Ở góc độ nào đó, tôi thấy lo ngại cho công việc của bà Phương trong thời gian tới, khi những điều bất lợi phô bày trên báo đài, cơ quan chức năng biết đến”, cô gái trẻ tâm sự.
Trước thắc mắc về việc một cô gái liệu có dùng hết suất ăn nhiều đến vậy, Trang giải thích: “Tôi vào quán chỉ gọi theo thói quen, không quan tâm nhiều hay ít. Vả lại, tôi gọi một suất phở đùi mà không yêu cầu đó là một mảng nhỏ hay nguyên cả chiếc đùi to. Sau khi bà Phương lên báo giải thích đã cho thêm vào tô cả mảng thịt đùi lớn và định giá 150.000 đồng, tôi bị sốc. Lúc đó, tôi đã cố gắng ăn hết thịt và để lại một ít bánh phở, dù cũng không hiểu vì sao lại nhiều thế!”.
“Tôi chỉ thấy ấm ức vì có cảm giác mình bị lừa, chứ không hề muốn ăn nhiều mà trả tiền ít. Thậm chí, khi chồng nghe câu chuyện này muốn cùng tôi đến quán đối chất với chủ quán, tôi ngăn lại và nói rằng: đi ăn mà không hỏi giá, để bị ‘chặt chém’ một phần là lỗi ở em", cô gái trẻ nói thêm.
Sau 2 ngày xảy ra việc một người bán phở ở Hà Nội bị tố 'chặt chém khách', đã có hơn 300.000 kết quả tìm kiếm cho từ khóa 'tô phở 300 ngàn đồng' trên Google.
Trang nhận thấy rằng câu chuyện đi ăn quên hỏi giá và bị "chặt chém" khi thanh toán là không lạ, nhưng không có nghĩa vì thế mà chúng ta dễ dãi cho qua mọi chuyện, để người kinh doanh tiếp tục thực hiện việc làm không đúng.
Sau sự việc, Trang nhắn nhủ mọi người nên chủ động hỏi giá trước khi dùng bữa ở quán lạ, tránh rơi vào trường hợp như cô và Trang cũng muốn dừng mọi chuyện tại đây.
Nha Trang (th)