Thế nhưng đến nay, khi thời hạn đầu tư đã hết được 6 năm thì dự án triệu USD này nổi tiếng không phải là bằng những hiệu quả kinh tế, du lịch… như cam kết mà bởi những lùm xùm quanh chuyện thu hồi khu “đất vàng” về cho Nhà nước.
Cổng chính dự án Vũng Tàu Paradise hiện đã đóng hoàn toàn, không cho người lạ vào bên trong. |
“Chướng ngại vật” gần trăm triệu USD!
Chiều một ngày đầu năm 2022, phóng viên Ngày Nay có mặt tại Dự án Vũng Tàu Paradise. Trong khi các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn đang náo nức trang hoàng sửa soạn vừa đón chào năm mới vừa triển khai phục hồi du lịch sau thời kỳ dịch bệnh, có thể thấy nhiều hạng mục tại Dự án Vũng Tàu Paradise đang rơi vào cảnh hoang phế.
Ngoài khu vực sân golf còn hoạt động, các hạng mục như khách sạn, resort, khu cắm trại, ăn uống, vui chơi ven biển... hầu như đã dừng hoạt động. Một số công trình xây dựng phía bờ biển như nhà hàng, khu tắm nước ngọt, thay đồ… bỏ hoang lâu ngày đã trở nên đổ nát, mái tôn tốc mái, rỉ sét, gạch gỗ bong tróc sơn, bàn ghế đồ dùng gom lại thành đống… trong tình trạng “đắp chiếu”. Hồ bơi cũng mốc meo, nước mưa đọng lại lâu ngày không được lau dọn chuyển màu đen kịt, đầy rác.
Nhiều hạng mục bỏ hoang lâu ngày đã trở nên đổ nát, mái tôn tốc mái, rỉ sét, gạch gỗ bong tróc sơn... |
Trong vai khách du lịch, chúng tôi liên hệ với nhân viên Khu du lịch Vũng Tàu Paradise tham quan, đặt phòng nghỉ. Tuy nhiên, họ cho biết: “Ở đây không nhận khách, có chơi golf thì vào!”. Sân golf 27 lỗ rộng 140ha này do Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise giữ quyền khai thác kinh doanh suốt nhiều năm sau khi dự án hết thời hạn hoạt động. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, sân golf này vẫn đón khách.
Không vượt qua được “chướng ngại vật” để được tận mắt chứng kiến bên trong, phóng viên tiến hành ghi nhận chung bên ngoài. Chúng tôi chạy vòng theo đường Nguyễn An Ninh ra Quốc lộ 51C, Vũng tàu Paradise nằm ở vị trí đắc địa phía Đông Nam của TP.Vũng Tàu, bao gồm hai “mặt tiền” là hai con đường kể trên, phía thứ ba tiếp giáp với khu vực Làng du lịch Chí Linh, phía còn lại nhìn ra biển.
Dự án Vũng Tàu Paradise hiện chỉ đón khách vào chơi golf, khách du lịch cũng không được vào tham quan hay đặt phòng nghỉ. |
Tưởng chừng như Dự án Vũng Tàu Paradise sau khi được cấp phép sẽ là “điểm nhấn” cho khu vực Bãi Sau nói riêng và TP.Vũng Tàu nói chung nhưng bao nhiêu năm qua, khách du lịch đi ngang khu vực này nếu nhìn từ ngoài vào, chỉ thấy một khu đất rộng bao la, hàng trăm hecta đất được bao bọc bởi những bức tường đá cao khoảng 2m. Nhìn từ bên ngoài vào chẳng khác nào một khu đất bị bỏ hoang với rừng cây rậm rạp, xen lẫn lau sậy và cỏ dại đan chằng chịt vào nhau. Đáng tiếc hơn, cả một khu bãi biển tuyệt đẹp, trải dài khoảng 2,5km lâu nay bị “chướng ngại vật” này “trấn giữ”. Du khách muốn ra biển phải “đi nhờ” từ hướng nội bộ của các đơn vị khác.
Đó là lý do vì sao bãi biển thuộc dự án Vũng Tàu Paradise rộng và bằng phẳng, mặt biển tương đối êm và nằm cạnh khu vực sầm uất nhất của TP.Vũng Tàu (Bãi Thuỳ Vân) nhưng rất heo hút, ngoài một số người dân địa phương vào đây để đánh bắt hải sản thì hầu như khách du lịch không biết hoặc không dám bước chân vào bãi biển hoang sơ này. Và “hiệu quả” mà nó có được bây giờ là bãi cát như… bãi rác vì bỏ hoang quá lâu, không ai dọn dẹp, chăm sóc.
Bãi biển rất đẹp nhưng bị lãng phí suốt hàng chục năm qua. |
Dự án hết hạn, sân golf vẫn hoạt động
Khi chúng tôi đặt bút viết loạt bài này thì cũng là lúc nhiều du khách phản ánh việc họ không thể đặt phòng khách sạn, resort tại Vũng Tàu để chơi Tết 2022. Chưa kể, khu vực bãi tắm Vũng Tàu nói chung và Bãi Sau nói riêng thường xuyên rơi vào tình trạng đông đúc, quá tải mùa lễ hội trong suốt thời gian dài.
Theo thông tin chúng tôi có được từ Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng năm, địa phương này đón khoảng 14 triệu – 15 triệu lượt khách du lịch với doanh thu từ khoảng 14.000 tỷ đồng – 16.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 15 – 20%/năm. Trong khi khu vực trung tâm TP.Vũng Tàu nói chung hay khu vực bãi tắm Thùy Vân nói riêng ngày càng chật chội, quỹ đất khan hiếm để phát triển dự án du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách thì dự án rộng 220ha cùng bờ biển dài 2,5km của dự án Vũng Tàu Paradise, tương đương khoảng hơn 1/3 bờ biển Bãi Sau vẫn bị bỏ hoang suốt hàng chục năm qua, vô cùng lãng phí.
Thời điểm phóng viên ghi nhận thực tế, sân golf vẫn hoạt động bình thường dù thời hạn đầu tư đã hết. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần hoạt động “hiệu quả” nhất cho đến nay của dự án này là sân golf. Dù dự án đã hết thời hạn đầu tư từ năm 2016, các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án hiện đang bế tắc nhưng sân golf vẫn hoạt động.
Dự án Vũng Tàu Paradise có quy mô 220ha, tọa lạc tại P.Thắng Tam, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise làm chủ đầu tư. Liên doanh này gồm Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Vung Tau Intourco - thuộc UBND đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo cũ) nay là Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (Vung Tau Intourco Resort - VIR) cùng đối tác nước ngoài là Công ty Paradise Development - Đài Loan.
Tổng mức đầu tư của dự án là 97,2 triệu USD, trong đó phía Việt Nam góp 25% bằng quyền sử dụng đất khu đất 220ha, phía đối tác nước ngoài góp 75% còn lại bằng tiền. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, phía đối tác Đài Loan mới chỉ giải ngân gần 30 triệu USD/hơn 70 triệu USD trong tổng số đã đăng ký.
Dự án Vũng Tàu Paraidise có diện tích rất lớn, chiếm khoảng 1/3 bờ biển Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. |
Đến nay, thời hạn đầu tư của dự án đã hết gần 6 năm nhưng khu đất vàng 220ha vẫn chưa được thu hồi về cho Nhà nước. Trong khi đó, đơn vị đại diện cho vốn của nhà nước tham gia liên doanh Vũng Tàu Paradise là Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (Vung Tau Intourco Resort – VIR) đã chuyển đổi thành công ty cổ phần và tỷ lệ cổ phần do nhà nước nắm giữ ở doanh nghiệp này đang dần rơi vào tay tư nhân.
Trước tình hình này, nhiều cán bộ hưu trí ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lo lắng cho số phận của lô “đất vàng” đã gửi đơn thư đi khắp nơi để mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Trong đơn thư, cán bộ hưu trí đặt nghi vấn, nếu doanh nghiệp đại diện vốn nhà nước thực hiện dự án nhưng tỷ lệ cổ phần do nhà nước nắm giữ quá thấp, trong khi phần lớn cổ phần nằm trong tay tư nhân thì… điều gì sẽ xảy ra?.
Bài 2: Những bất thường trong cổ phần hoá của chủ lô đất vàng 220ha