Trước nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước là khu “đất vàng” 220ha có giá trị lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng khi xuất hiện những bất thường trong cổ phần hoá tại Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (Vung Tau Intourco Resort) - đơn vị đại diện vốn nhà nước góp vào liên doanh với Đài Loan thực hiện Dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise bằng quyền sử dụng 220ha đất, giữa tháng 1/2022, nhóm phóng viên Ngày Nay đã có mặt tại khu vực thực hiện dự án Vũng Tàu Paradise để tìm hiểu, xác minh vụ việc.
Ghi nhận thực tế, Dự án Vũng Tàu Paradise đang rơi vào cảnh hoang phế, dừng hoạt động, bãi biển dài 2,5km bị lãng phí suốt thời gian qua. Phần hoạt động “hiệu quả” nhất cho đến nay của dự án là sân golf 27 lỗ, rộng 140ha. Bất chấp dự án đã hết thời hạn đầu tư từ năm 2016, các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đang bế tắc thì sân golf vẫn hoạt động và Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise giữ quyền khai thác.
Trong văn bản, Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise cho rằng Ngày Nay thiếu trung thực, phản ánh thông tin một chiều khi nói về việc giải ngân của đối tác Đài Loan trong liên doanh.
Để có thông tin khách quan chuyển tải đến bạn đọc, ngày 13/1/2022, nhóm Phóng viên Ngày Nay đã có mặt tại Văn phòng Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise, đặt tại cổng vào sân golf để liên hệ đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, các nhân viên của doanh nghiệp này từ chối tiếp xúc và cho biết chỉ tiếp khách có nhu cầu chơi golf.
Cũng tại thời điểm này, một người có tên Nguyễn Trí Nhân, tự nhận là Chánh văn phòng công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise thông qua điện thoại của nữ nhân viên công ty đề nghị nhóm phóng viên để lại thông tin, nội dung và sẽ sắp xếp thời gian làm việc. Tuy nhiên, đến giờ phút này, đã hơn một tháng trôi qua, phía ông Nhân và Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise vẫn không có thông tin phản hồi.
Sân golf vẫn đang hoạt động dù thời hạn đầu tư dự án đã hết 6 năm. |
Trước đó, vào tháng 9/2020, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về Dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise. Quan điểm của tỉnh là không gia hạn cho dự án vì thời gian qua dự án chậm triển khai thực hiện theo tiến độ cam kết, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, thời hạn hoạt động của Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise đã hết theo quy định tại giấy phép đầu tư, công ty không đăng ký lại hoạt động theo quy định Luật Đầu tư 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014. Việc chấm dứt hoạt động dự án do hết thời hạn hoạt động sẽ đồng thời chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế, do đó không còn chủ thể để gia hạn thực hiện dự án.
Để bảo vệ tài sản nhà nước, Tạp chí Ngày Nay đã xuất bản loạt bài điều tra kể trên, đồng thời phản biện, góp ý một số nội dung đề xuất chưa hợp lý của các cơ quan chức năng trong vấn đề giải quyết, thu hồi dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise theo đúng quy định.
Và rõ ràng, phản hồi của Vũng Tàu Paradise ẩn chứa nhiều thông tin không đúng sự thật, thiếu trung thực.
Trước những bất thường trong quá trình cổ phần hoá tại Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (Vung Tau Intourco Resort – VIR), thuộc Công ty Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (Vung Tau Intourco, thuộc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - đơn vị đại diện vốn nhà nước góp vào liên doanh với Đài Loan thực hiện Dự án Khu du lịch Vũng Tàu Paradise bằng quyền sử dụng 220ha đất.
Nhiều cán bộ hưu trí ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lo lắng cho số phận của lô “đất vàng” đã gửi đơn thư đi khắp nơi để mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Trong đơn thư, cán bộ hưu trí đặt nghi vấn, nếu doanh nghiệp đại diện vốn nhà nước thực hiện dự án nhưng tỷ lệ cổ phần do nhà nước nắm giữ quá thấp, trong khi phần lớn cổ phần nằm trong tay tư nhân thì… điều gì sẽ xảy ra?.
Sau quá trình điều tra, Ngày Nay đã xuất bản loạt bài viết:
1/ Vũng Tàu Paradise - Bài 1: Dự án gần 100 triệu đô la… bây giờ ra sao?
2/ Vũng Tàu Paradise - Bài 2: Những bất thường trong cổ phần hoá của chủ lô "đất vàng" 220ha
3/ Vũng Tàu Paradise - Bài 3: Nhùng nhằng thu hồi còn ‘vẽ rắn thêm chân’