Nhà nước “thiệt đơn, thiệt kép”
Như đã nêu ở bài trước, Dự án Vũng Tàu Paradise có quy mô 220ha, tọa lạc tại P.Thắng Tam, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do Công ty Liên doanh Paradise làm chủ đầu tư. Liên doanh này gồm Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Vung Tau Intourco - thuộc UBND đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo cũ) nay là Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (Vung Tau Intourco Resort - VIR) cùng đối tác nước ngoài là Công ty Paradise Development - Đài Loan.
Tổng mức đầu tư của dự án là 97,2 triệu USD, trong đó phía Việt Nam góp 25% bằng quyền sử dụng đất khu đất 220ha, phía đối tác nước ngoài góp 75% còn lại bằng tiền. Tuy nhiên, đất đã trao, nhưng tiền “múc” không đủ. Phía liên doanh Việt Nam đã góp đủ 100% vốn (khu đất 220ha đất sạch) nhưng phía liên doanh nước ngoài tính đến thời điểm 2020 chỉ mới đầu tư chưa tới 30 triệu USD (khoảng 30% tổng dự án và ước tính bằng khoảng 50% vốn mà họ cam kết).
Hậu quả là khu đất vàng, ngày bờ biển tuyệt đẹp nhiều năm qua bị bỏ hoang, nhiều hạng mục xây dựng, đầu tư theo cam kết của dự án đều không hoàn thành như khu khách sạn 3 sao. Các khu vui chơi giải trí xây dựng theo kiểu tạm bợ, manh mún không như thiết kế mà dự án cam kết ban đầu.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dự án Vũng Tàu Paradise có tổng diện tích đất được giao 220ha, song nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140ha (phần diện tích đã đầu tư hạng mục sân golf và khu nhà rông), còn lại 80ha (quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc) sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
Được biết, những năm qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án xử lý dự án. Quan điểm của tỉnh là không gia hạn cho dự án vì thời gian qua dự án chậm triển khai thực hiện theo tiến độ cam kết, vi phạm quy định pháp luật.
Cây cối um tùm bên trong khu đất 220ha. |
Các Bộ “vẽ rắn thêm chân, hay cố đấm ăn xôi”?
Điều đáng tiếc trong vụ việc này là, UBND tỉnh chỉ là đơn vị đề xuất, còn thẩm quyền quyết định như thế nào lại là do Chính phủ, các Bộ Ban ngành... Để rồi vụ việc trở nên phức tạp khi người ta "vẽ rắn thêm chân". Cụ thể, thay vì đồng ý với đề xuất của tỉnh, theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay thì:
Vào tháng 11/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 2 phương án xử lý: Phương án 1, thu hồi 220ha khu đất và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thì khả năng tranh chấp đầu tư quốc tế có thể xảy ra vì tài sản trên đất của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise chưa được xử lý, nội bộ trong công ty liên doanh không thống nhất việc đăng ký lại doanh nghiệp để tiếp tục gia hạn hoạt động. Phương án 2, thu hồi 220ha khu đất, sau đó căn cứ quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ xem xét, quyết định cho phép nhà đầu tư hiện tại được thực hiện dự án và áp dụng trường hợp cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Tiền thuê đất tính theo khung giá hiện hành.
Với phương án 2, khả năng tranh chấp đầu tư quốc tế của nhà đầu tư nước ngoài đối với nhà nước Việt Nam ít xảy ra vì kiến nghị của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise cơ bản sẽ được giải quyết (kiến nghị cơ cấu lại doanh nghiệp, huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục thực hiện dự án thêm 50 năm).
Tuy nhiên, sau khi khảo sát ý kiến, Bộ Tài chính đồng quan điểm với phương án 1 trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao lại đồng ý với phương án 2.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thêm phương án 3 là gia hạn đối với diện tích 140ha đất đang sử dụng, thu hồi 80ha diện tích đất còn lại để đấu giá quyền sử dụng đất.
Thu hồi là phương án nhanh gọn nhất!
Trao đổi với Phóng viên Ngày Nay, một số luật sư rằng: “Việc chấm dứt hoạt động dự án do hết thời hạn hoạt động sẽ đồng thời chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế, do đó không còn chủ thể để gia hạn thực hiện dự án đã được quy định cụ thể. Thêm vào đó, với những vi phạm của liên doanh trong quá trình thực hiện cam kết theo dự án cũng đủ để cơ quan chức năng xem xét thu hồi dự án trước thời hạn chứ chưa nói gì đến… hết thời hạn”.
Ngoài ra, cần xem xét thời hạn hoạt động của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise theo quy định tại giấy phép đầu tư, công ty không đăng ký lại hoạt động theo quy định Luật Đầu tư 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014.
Như vậy, luật quy định rất rõ ràng và mọi chuyện sẽ đơn giản nếu vụ viêc trên được xử lý và giải quyết theo đúng luật định, cũng như theo đề xuất của UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu là thu hồi dự án và đem đấu thầu khai thác theo luật định. Việc thu hồi dự án đất cho thuê sau khi hết thời hạn thì chỉ cần thông báo cho phía nhà đầu tư thời hạn trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, không hiểu sao, hơn 5 năm qua, việc ra quyết định thu hồi dự án lại đầy khó khăn trắc trở với lý do nghe rất vô lý: "Chưa định giá tài sản của chủ đầu tư. Vì liên doanh không tìm được tiếng nói chung"!.
Dù dự án đã hết hạn nhiều năm nhưng Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise vẫn hoạt động bên trong dự án. |
Đây là lý do phi lý và thoài thác trách nhiệm, không chính đáng và thuyết phục. Bởi, khi nào thì định giá được tài sản và khi nào thì các bên trong liên doanh mới ngồi lại với nhau và có được tiếng nói chung?. Đến khi nào thì mới thu hồi dự án sai phạm, tai tiếng này được?. Nếu liên doanh Dự án Vũng Tàu Paradise không định giá tài sản hiện hữu thì làm thế nào, nếu liên doanh tiếp tục “chây ì” thì vẫn để họ tiếp tục chiếm dụng khu đất 220ha như 6 năm qua?.
Gây bức xúc hơn cả là phương án thứ 3 mà bộ Tài Nguyên Môi trường đưa ra. Dự án này đã hết thời hạn và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định không cho gia hạn thêm. Bởi theo lý giải của tỉnh, nhà đầu tư sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai. Vấn đề này đã được Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường nêu tại Kết luận số 1640/KLTr-BTNMT năm 2011. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng dự án, 2 bên công ty liên doanh không có sự thống nhất trong quản lý điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh như: bên nước ngoài chưa hoàn tất nghĩa vụ góp vốn theo quy định, không thống nhất về việc đăng ký lại doanh nghiệp và điều chỉnh thời hạn hoạt động của liên doanh.
Về nguyên tắc hoạt động thì phải đấu giá thuê đất. Trong khi chỉ định thầu, áp giá trong hoàn cảnh này thì giá nào là hợp lý để doanh nghiệp và nhà nước đều ổn thoả, không thiệt thòi?. Liên doanh này đã không còn pháp nhân vì hết hạn. Đại diện vốn cho nhà nước tại liên doanh trên hiện đã cổ phần hoá và dự kiến thoái vốn về 0%. Vậy pháp nhân nào sẽ là đại diện cho vốn nhà nước tại dự án?.
Dự án 100 triệu USD, nhà nước đã bỏ vào đủ 25% theo cam kết. Trong khi đối tác nước ngoài chỉ bỏ khoảng 30 triệu USD, nhỉnh hơn nhà nước chút ít nhưng lâu nay họ giữ quyền quyết định dự án. Thậm chí trên giấy tờ họ cam kết là đầu tư 75% dự án. Vậy mà Bộ Tài nguyên Môi trường lại muốn cho đối tác liên doanh này thuê đất tiếp 50 năm hoặc cho đối tác giữ 140ha đều không ổn.
Bên liên doanh phía Việt Nam góp vốn đủ 25% thì giờ chỉ được thu hồi về hơn 1/3 diện tích đất (tức 80ha như phương án của Bộ Tài nguyên Môi trường). Còn bên làm sai, “chây ì” chỉ mới bỏ ra hơn 30 triệu USD thì không những không bị phạt, không bị xử lý mà lại được đề xuất cho thuê 140ha thêm 50 năm. Nếu 50 năm sau vẫn lý do này, liên doanh này tiếp tục lấy lý do như hiện nay thì các Bộ, ngành ai sẽ chịu trách nhiệm đòi lại tài sản cho Nhà nước trong vụ việc này?